Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột là những vùng càphê nổi tiếng của Việt Nam.


Càphê Mường Ẳng (Điện Biên): Với thổ nhưỡng tương tự vùng Sao Paulo (Brazil), càphê Mường Ẳng được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao và cho rằng “nếu trồng đúng kỹ thuật, nơi đây có thể cho ra loại càphê ngon nhất thế giới”.

Càphê Sơn La: Càphê là sản phẩm thứ ba của Sơn La được cấp chỉ dẫn địa lý sau chè shan tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu. Đây cũng là tỉnh đứng thứ hai trên cả nước trồng càphê Arabica (càphê chè). Sản phẩm có vị ngọt, hương trái cây đặc trưng.

Càphê Phủ Quỳ (Nghệ An): Nói đến càphê, người sành thức uống này thường có câu “nam Đắk Lắk, bắc Phủ Quỳ”. Càphê Phủ Quỳ được hình thành trong điều kiện nhiệt độ đặc biệt. Cây ra hoa vào mùa xuân, nuôi quả trong mùa hè và chín vào cuối thu. Nhờ thế, hạt càphê có được hương vị khác biệt so với các vùng khác.


Càphê Khe Sanh (Quảng Trị):
Hơn 100 năm trước, người Pháp đã lựa chọn Khe Sanh để hình thành những đồn điền càphê rộng lớn. Giống được trồng ở Khe Sanh là càphê mít (càphê Liberia). Càphê Khe Sanh có màu nâu nhạt sánh, mùi tử đinh hương nồng nàn và vị nóng của những cơn gió Lào.

Càphê Cầu Đất (Lâm Đồng): Giống càphê được trồng ở đây là Arabica - loại càphê được ưa chuộng nhất thế giới. Khi pha, càphê Cầu Đất cho mùi vị đặc trưng, thơm ngọt. Khi uống có vị chua thanh thoát, hơi ngọt đắng cùng hương thơm sang trọng, cổ điển.

Càphê Buôn Mê Thuột: Thổ nhưỡng đất đỏ bazan và độ cao phù hợp đã tạo ra hương vị đặc trưng. Càphê nhân thường màu xanh xám, xanh lục hoặc nhạt, mùi thơm tự nhiên, vị đắng dịu, nhẹ, không chát. Hiện đã có 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee”.