Công văn hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ xuất phát từ băn khoăn của dư luận về con số giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm qua tăng đột biến, trước thời điểm quy chế phong giáo sư, phó giáo sư mới với những tiêu chuẩn khắt khe hơn được ban hành.

Hôm qua (8/2), Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hỏa tốc số 1418/VPCP-KGVX cho Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu rà soát, xem xét lại để đảm bảo chất lượng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được phong trong năm 2017.

Công văn được gửi đi sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách GS, PGS được phong năm 2017 gồm 1.226 người, tăng gần 60% so với năm 2016.

Theo công văn, nhiều thông tin, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, bày tỏ băn khoăn về con số GS, PGS được công nhận tăng đột biến cùng những lo ngại về chất lượng như người được công nhận không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.

Công văn hỏa tốc của Thủ tướng.
Công văn hỏa tốc của Thủ tướng.

Công văn có đoạn: "Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS", hàm ý chỉ Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến công khai hồi đầu năm 2017 nhưng hiện chưa rõ sẽ được thông qua vào thời điểm nào.

So với bản quy định tiêu chuẩn GS, PGS do Chính phủ ban hành năm 2008, bản dự thảo mới đã có một số thay đổi quan trọng, bao gồm tiêu chuẩn cứng về công bố quốc tế (các ứng viên PGS/GS phải công bố ít nhất một/hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hai danh mục ISI/Scopus).

Trước đây, nhờ phép quy đổi công trình khoa học mà số lượng nghiên cứu có thể thay thế hoàn toàn cho chất lượng nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ý kiến một số nhà khoa học, ngay cả tiêu chuẩn mà dự thảo mới đề ra vẫn còn quá thấp, chỉ tương đương tiêu chuẩn để một nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án tiến sĩ, trong khi nghiên cứu sinh mới là người “vỡ lòng trên con đường làm khoa học”, còn người có chức danh GS, PGS là người làm thầy.

Chia sẻ quan điểm về việc con số GS, PGS được công nhận tăng đột biến với Khoa học và Phát triển, TS Phạm Hiệp – nhà nghiên cứu về giáo dục, cho rằng, ý nghĩa thực chất của chức danh GS, PGS là để chỉ người có trình độ cao trong nghề nghiên cứu và giảng dạy. "Chúng ta có thể chấp nhận có hàng trăm nghìn công nhân, kỹ sư giỏi tại các doanh nghiệp và nhà máy, vậy tại sao không chấp nhận hàng chục nghìn GS, PGS ở các trường đại học và viện nghiên cứu" - TS Phạm Hiệp nói.

Theo TS Hiệp, "về lâu dài, lý tưởng nhất là để các trường tự chịu trách nhiệm việc bổ nhiệm GS, PGS của mình. Nếu áp dụng cơ chế này, số lượng GS, PGS sẽ còn tăng nữa."

Bình luận về thực tế có những GS, PGS được công nhận năm vừa qua không có công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, TS Hiệp cho rằng, cá nhân ông ủng hộ quan điểm sử dụng các chỉ số này làm tiêu chuẩn và đây là xu hướng chung của quốc tế. "Nếu tổ chức nào sử dụng chỉ số khác để đánh giá thì cần minh bạch thông tin đảm bảo tính thuyết phục. Trong 5-10 năm tới, khi Việt Nam chưa tìm được chỉ số nào khác thay thế thì việc sử dụng chỉ số của ISI/Scopus là hoàn toàn hợp lý" - TS Hiệp nói.