Nhu cầu tiêu thụ sữa của Trung Quốc tới năm 2050 được dự kiến sẽ tăng gấp ba so với 2010, đe dọa làm tăng gánh nặng đối với môi trường nước này và những nước xuất khẩu sữa sang Trung Quốc.

Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ sẽ khiến diện tích chăn nuôi mở rộng thêm 32%, lượng khí thải nhà kính có trong phân chuồng tăng thêm 35% và đặc biệt tình trạng ô nhiễm nitơ cũng trở nên trầm trọng hơn - tăng tới 48%.

Mỗi con bò cho khoảng 30kg sữa mỗi ngày tại một trang trại cỡ vừa ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Wang Xuan
Mỗi con bò cho khoảng 30kg sữa mỗi ngày tại một trang trại cỡ vừa ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Wang Xuan

“Những hệ lụy của mô hình kinh doanh truyền thống quả thật rất khó lường” - Zhaohai Bai - giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tác giả chính của một nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường đăng trên Global Change Biology - cho biết.

Nếu chỉ sản xuất sữa tại Trung Quốc sẽ làm tăng gánh nặng đối với môi trường trong nước, trong khi đó, nếu Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu lượng sữa lớn từ nước ngoài thì gánh nặng sẽ đè lên các nước xuất khẩu.

“Vì tương lai bền vững của ngành chăn nuôi, các khu vực có nhu cầu cao đối với các sản phẩm sữa như Trung Quốc, cần theo kịp năng suất của những nước sản xuất hàng đầu thế giới” - ông Bai nhấn mạnh. “Khi đó, lượng khí thải nhà kính sẽ tăng ít đi và diện tích đất chăn nuôi có thể cũng được thu hẹp lại”.

Nghiên cứu nói trên do Đại học Nông nghiệp Hà Bắc, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh, Đại học Wageningen (Hà Lan), AgReasearch (New Zealand), IIASA (Áo), Đại học Bristol và Rothamsted Research (Anh) cùng thực hiện.

Trước đây, sản lượng tiêu thụ sữa tại Trung Quốc rất thấp (dưới 2kg/người/năm trong thập niên 1960). Tốc độ phát triển kinh tế cao đã kéo theo lượng sữa tiêu thụ tăng lên 25 lần trong vòng 50 năm qua, khiến Trung Quốc trở thành nhà sản xuất sữa lớn thứ 4 thế giới, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng.