Dưới ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện than, chất lượng nước ở khu bảo tồn biển Hòn Cau bị suy giảm nghiêm trọng do gia tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát. Hoạt động neo đậu, nạo vét và đổ thải có thể gây hư hại rạn san hô và khu bảo tồn.

Vấn đề này được nhiều đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân - Phân tích từ khu bảo tổn biển Hòn Cau”, do Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển tổ chức ngày 17/2 tại TPHCM.

Hòn Cau - thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận - là một trong 16 khu bảo tồn biển với hệ sinh thái được xếp vào tốp đầu của Việt Nam về đa dạng sinh học với hệ động thực vật biển phong phú, điển hình như rong, tảo và các loài rùa. Tuy nhiên, theo thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm, hệ sinh thái Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng do sự vận hành, xả thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và kế hoạch nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Trong tương lai, địa phương này sẽ có một khu tổ hợp 5 nhà máy nhiệt điện, đe dọa sự sống của các loài trong khu bảo tồn.

Dưới ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện than, chất lượng không khí, nước, bãi bờ đã suy giảm khiến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các rạn san hô bị thu hẹp. Tình trạng này cũng gây hệ lụy không nhỏ đến sinh kế của người dân địa phương: Muối bị phủ than đen, nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và du lịch bị tác động tiêu cực. Đó là chưa kể sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẻ ý kiến tại buổi Tọa đàm
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho biết, Hòn Cau đang bị đe dọa bởi hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1, làm tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát và ảnh hưởng đến chất lượng nước vùng biển khu bảo tồn. Hoạt động neo đậu, nạo vét và đổ thải có thể gây hư hại rạn san hô và khu bảo tồn. Vị trí nhấn chìm vật liệu nạo vét nằm phía bắc cảng Vĩnh Tân, cách Hòn Cau 8km, rất gần với khu vực biển dễ bị tổn thương, do đây là khu vực biển động, có khả năng lan truyền nhanh và phát tán rộng các chất gây ô nhiễm, gây suy thoái các hệ sinh thái nông và rạn san hô.

"Chất thải nạo vét nếu gây ô nhiễm sẽ làm suy thoái hoặc phá hủy vĩnh viễn các rạn san hô. Vì vậy, cần cân nhắc thật kỹ vị trí đổ thả. Vĩnh Tân cần có một cam kết về mặt pháp lý đối với các nhà máy nhiệt điện than trong quá trình hoạt động, và cần có hình thức xử lý nếu làm ảnh hưởng đến môi trường" – GS Hồi nói.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia về quy hoạch và quản lý nước - cho rằng, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì đến năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Trước việc một số dự án nhiệt điện thanđã được phê duyệt và nhu cầu điện của đất nước rất cao, Việt Nam vẫn phải chấp nhận nhiệt điện than, nhưng cần xem xét để làm giảm tối đa tác động của nó đến môi trường.

"Cần xem xét quy mô các nhà máy nhiệt điện than, nên đặt vị trí nào cho hợp lý. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng công nghệ lạc hậu. Hiện nay phần lớn các nhà máy nhiệt điện thancủa nước ta đều dùng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc" - ông Anh nói.
Hòn Cau là một trong 16 Khu bảo tồn với hệ sinh thái biển đa dạng bậc nhất Việt Nam
Hòn Cau là một trong 16 Khu bảo tồn với hệ sinh thái biển đa dạng bậc nhất Việt Nam

Trên thực tế, người dân Vĩnh Tân đã chịu thiệt hại về kinh tế và môi trường do nhà máy nhiệt điện than gây ra. "Không biết môi trường Vĩnh Tân cả dưới nước lẫn trên bờ lâu dài sẽ ra sao nếu như hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than không được cải thiện" - ngư dân Trần Văn Tư ở Hòn Cau lo lắng - "Chúng tôi mong muốn Nhà nước, các cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến của người dân và có những can thiệp kịp thời trước tình trạng này".

Theo các chuyên gia, các nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Vấn đề tro và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than là bài toán chưa có lời giải. Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam thải ra khoảng 15 triệu tấn tro xỉ hằng năm. Việc vận chuyển và lưu giữ tro xỉ gây ảnh hưởng đáng kể đế chất lượng không khí.

Việt Nam hiện có 12 nhà máy nhiệt điện than. Trong những năm tới, sẽ có khoảng 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở trung tâm hoặc ngay sát khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long,