Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, việc đưa rạn san hô tự nhiên đã suy thoái trở về nguyên trạng không đơn giản, có lẽ phải mất 50 năm; vì vậy nên làm rạn san hô nhân tạo.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Biển miền Trung đã an toàn để tắm và nuôi trồng thủy sản - theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây. Tuy nhiên, để biển thực sự phục hồi cần nghiên cứu giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Trong đó có một việc quan trọng là đánh giá mức độ phục hồi của các nhóm hải sản (cá, san hô, nhuyễn thể). Chẳng hạn, để khôi phục trước nhóm cá kinh tế , phải phục hồi bãi đẻ, bãi giống, các khu bảo tồn biển, kết hợp với sản xuất giống và thả tự nhiên…

Hiện cá bột, cá nhỏ đã quay lại vùng biển 4 tỉnh miền Trung, đó là tín hiệu ban đầu của sự phục hồi; nhưng chúng ta cần giữ chứ không được đánh bắt ngay lập tức. Chúng ta phải nghĩ tới việc thu hút các loài cá khác, mang lại nguồn lợi thủy - hải sản an toàn trong một “ngôi nhà mới” bằng cách phục hồi rạn san hô.

Việc đưa rạn san hô tự nhiên đã suy thoái trở về nguyên trạng không đơn giản, có lẽ phải mất 50 năm; vì vậy nên làm rạn san hô nhân tạo. Có thể tham khảo và áp dụng công nghệ tạo rạn san hô theo mô hình quốc tế mà Viện Hải dương học (Nha Trang), Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng) và Viện Nghiên cứu hải sản (Hải Phòng) đã làm nhiều năm trước. Các viện nên tập huấn và hỗ trợ địa phương cùng làm.

Về ý kiến làm sạch biển bằng công nghệ Nhật Bản, xin nhớ rằng sự cố ở Nhật xảy ra trong vịnh kín mà họ phải mất tới 10 năm để xử lý, trong khi biển Việt Nam là biển hở nên không thể áp dụng công nghệ xử lý vì sẽ rất tốn kém. Bùn cát ở đáy bị nhiễm độc cũng không dễ gì lấy lên được, tốn kém không chịu nổi, nếu kỹ thuật không đủ tầm sẽ có thể “khuấy” lên các chất độc vốn đã “yên ổn” ở lớp đáy.

Tầng nước sát đáy, lớp bùn đáy biển và trong các thủy vực ven bờ, hang hốc… sẽ ô nhiễm nặng hơn lớp nước bề mặt. Các nhà khoa học nên giúp địa phương giám sát rồi lập bản đồ các điểm nóng ô nhiễm để cảnh báo người dân. Cũng có thể dùng “đồng hồ sinh học” để đánh giá nhanh độ an toàn của vùng biển cụ thể bằng cách thả lồng chứa cá và một số loài 2 mảnh vỏ (hàu, sò) chuyên ăn lọc xuống biển, sau đó lấy lên phân tích mức độ ô nhiễm.