Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong lĩnh vực dược; hợp tác với Bộ Y tế rà soát, đề xuất việc hỗ trợ, tài trợ, ưu đãi từ Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia… cho các hoạt động nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực dược.

Các nỗ lực của ngành KH&CN và ngành Y tế sẽ hướng đến các vấn đề quan trọng như:
  • Đẩy mạnh nghiên cứu và tham gia phối hợp quốc tế phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự, thuốc từ dược liệu và ứng dụng công nghệ bào chế thuốc hiện đại; nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đánh giá tương đương sinh học;
  • Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về dược, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược;
  • Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành dược, ưu tiên lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, R&D, chuyển giao công nghệ thuốc, đào tạo chuyên đề về sản xuất vaccine, sinh phẩm, nghiên cứu tương đương sinh học…;
  • Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo tồn nguồn gene dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng…
  • ...
Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine sinh phẩm; Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên; Đạt chứng nhận WHO mức độ 3 trở lên về năng lực của cơ quan quản lý đối với thuốc hóa dược, duy trì và nâng cao chứng nhận của WHO về năng lực của cơ quan quản lý đối với vaccine...