Đây là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Quyết định số 1117/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Chương trình Xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học nhằm mục đích xây dựng mô hình phát triển, chia sẻ và khai thác tài nguyên giáo dục mở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: daibieunhandan.vn
Chương trình Xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học nhằm mục đích xây dựng mô hình phát triển, chia sẻ và khai thác tài nguyên giáo dục mở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Chương trình cũng đặt mục tiêu trên 75% số khóa đào tạo sử dụng tài nguyên giáo dục mở, trên 75% cán bộ giảng dạy và 75% số người đang theo học ở các trường đại học sử dụng học liệu mở vào nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Những mục tiêu cụ thể này để nhằm xây dựng mô hình về nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập, đáp ứng nhu cầu của người học để được cấp bằng và nhu cầu học tập suốt đời.

Để thực hiện mục tiêu đó, nhiệm vụ của Chương trình là phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở; Xây dựng và phát triển kho dữ liệu về tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; Xây dựng và vận hành cổng truy cập tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Phát triển tài nguyên giáo dục mở là một vấn đề lớn, quan trọng, liên quan tới nhiều đối tượng trong xã hội và cần có tầm nhìn dài hạn, ngày càng có sự quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam, dù với các mức độ khác nhau đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội và chỉ mới bắt đầu trong thời gian rất gần đây. Trước Quyết định này, kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số văn bản chỉ đạo về việc xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở. Đây rõ ràng là cột mốc tích cực để phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam.