Tại cuộc họp “Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc” do Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, mưa lớn kéo dài và hoạt động của con người là hai tác động lớn.

Đặc biệt, sự phong hóa đá núi lửa baza ở các tỉnh Tây Nguyên khiến đất trở nên tơi xốp, dễ bị rửa trôi, dễ bị phá hủy kết cấu khi bão hòa nước nên dễ gây trượt sạt. Sự xuất hiện những vết trượt lở, sạt lở có quy mô lớn ở Tây Nguyên cần được chú ý theo dõi vì sẽ có tiềm năng trở thành những khối sạt lở lớn, đe dọa cơ sở hạ tầng và khu dân cư.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, nhận xét, mưa chỉ là yếu tố kích hoạt còn có xảy ra sạt lở hay không còn tùy thuộc vào tính chất địa hình, độ dốc, địa chất… Vì vậy, cần khảo sát, đánh giá đầy đủ các yếu tố, qua đó xác định nguyên nhân cũng như dự báo được nguy cơ, mức độ phát triển của các khối sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp phòng chống.

Về lâu dài, cần triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn; phân vùng cảnh báo nguy cơ để nắm bắt về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.