Tiểu hành tinh đã “tàng hình” dưới ánh sáng chói lóa của Mặt trời và bay rất gần Trái đất, có lúc chỉ bằng ¼ khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Hai ngày sau, các nhà khoa học mới phát hiện ra sự kiện này.

Theo NASA, khối đá vũ trụ này được gọi là 2023 NT1, chiều ngang khoảng 60m. Nó đã bay qua Trái đất vào ngày 13/7 với vận tốc ước tính là 86.000km/h. Nhưng vì khối đá bay về phía Trái đất từ hướng Mặt trời nên ánh sáng chói lóa đã khiến các kính thiên văn không phát hiện ra cho đến khi tiểu hành tinh này đi qua.

Các nhà thiên văn học chỉ phát hiện ra sự kiện này vào ngày 15/7, khi một kính thiên văn ở Nam Phi quan sát thấy khối đá đang bay ra khỏi khu vực lân cận Trái đất. Đây là kính thiên văn thuộc Hệ thống cảnh báo cuối cùng về va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái đất (ATLAS), được thiết kế để phát hiện các tiểu hành tinh vài ngày cho đến vài tuần trước khi chúng có khả năng va chạm với Trái đất. Theo Trung tâm Tiểu hành tinh của Hội Thiên văn Quốc tế, hơn chục kính thiên văn khác cũng đã quan sát thấy khối đá này sau đó.

Vạch tròn màu ghi đại diện cho quỹ đạo Mặt trăng, còn đường kẻ xanh đại diện cho quỹ đạo ước tính của tiểu hành tinh 2023 Ảnh: NT1. IAU
Vạch tròn màu ghi đại diện cho quỹ đạo Mặt trăng, còn đường kẻ xanh đại diện cho quỹ đạo ước tính của tiểu hành tinh 2023 Ảnh: NT1. IAU

Tuy bất ngờ tới gần, nhưng tiểu hành tinh 2023 NT1 không đủ lớn để được coi là một vật thể có khả năng gây nguy hiểm. Sau khi tính toán quỹ đạo của tiểu hành tinh này trong thập kỷ tới, các nhà thiên văn cho biết không có nguy cơ va chạm trong tương lai gần. Thực tế là các nghiên cứu gần đây cho rằng trong vòng 1.000 năm tới, Trái đất không bị các tiểu hành tinh đe dọa, ít nhất là các tiểu hành tinh lớn có khả năng gây tuyệt chủng.

Tuy nhiên, Mặt trời tạo rađiểm mù trong việc phát hiện các tiểu hành tinh đến gần Trái đất. 2023 NT1 không phải khối đá vũ trụ đầu tiên thoát khỏi tầm quan sát của chúng ta. Năm 2013, một tiểu hành tinh dài gần 18m đã bay theo hướng tương tự dưới ánh sáng chói lóa của Mặt trời và đã không bị phát hiện cho đến khi phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga. Vụ nổ đã tạo ra sóng xung kích làm hư hại các tòa nhà, vỡ kính trong phạm vi nhiều ki-lo-met quanh đó và khiến 1.500 người bị thương (không ai thiệt mạng).

Mặc dù các nhà khoa học vẫn theo dõi sát sao hơn 31.000 tiểu hành tinh đã biết ở gần Trái đất, nhưng họ cũng hiểu rõ những nguy cơ do điểm mù gây ra bởi Mặt trời. Để đối phó với mối nguy này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA đang nỗ lực hết sức để thực hiện dự án NEOMIR. Dự tính, vệ tinh này sẽ được phóng vào khoảng năm 2030, bay quanh Trái đất và Mặt trời để phát hiện các tiểu hành tinh lớn ẩn dưới ánh sáng chói lóa của vì sao này.

Nguồn: