Một nghiên cứu mới phát hiện 97% mẫu máu thai phụ chứa một "hóa chất vĩnh cửu" nguy hiểm, có thể gây ra các rủi ro sức khỏe cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.

PFAS là một nhóm gồm hơn chục nghìn hợp chất có liên kết carbon-flo mạnh, gần như không thể phá hủy và có mặt trong dụng cụ nấu nướng chống dính, quần áo chống thấm, vật liệu công nghiệp và mỹ phẩm.

PFAS từng được ca ngợi là hóa chất kỳ diệu, nhưng mặt trái là độ bền của PFAS khiến chúng tích lũy trong môi trường và cơ thể con người mà theo các nghiên cứu, dù chỉ một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

PFOS là một trong số các hợp chất PFAS nguy hiểm nhất, với nồng độ thấp hơn bốn phần nghìn tỷ cũng gây rủi ro, nhưng hiện nay đây là nồng độ thấp nhất có thể phát hiện được bằng các xét nghiệm.

Hình minh họa. Nguồn: PA

Mỹ có tỷ lệ tử vong ở thai phụ cao nhất trong các nước phát triển. Con số này đã tăng gấp đôi từ năm 1999 đến năm 2019, trong đó các bà mẹ da đen chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trong nghiên cứu mới do chính phủ tài trợ, công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, nhóm của Tracey Woodruff - giáo sư và giám đốc chương trình về sức khỏe sinh sản và môi trường của Đại học California San Francisco (UCSF) - đã tìm thấy nhiều hóa chất độc hại, bao gồm các chất PFAS trong máu của 302 người tham gia đang mang thai cũng như trong máu dây rốn của con họ.

Đáng chú ý, ít nhất 97% mẫu máu chứa PFOS, hóa chất được biết là có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các dị tật bẩm sinh. Từ 23 năm trước, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã có thỏa thuận với 3M, nhà sản xuất hoá chất PFOS, về việc loại bỏ dần việc sử dụng hoá chất này. Dù vậy, đến nay PFOS vẫn được tìm thấy trong các mẫu máu trong nghiên cứu mới.

Các hóa chất khác được tìm thấy trong phần lớn mẫu máu của phụ nữ mang thai gồm axit béo bất thường và các hóa chất được sử dụng để sản xuất thuốc trừ sâu, dược phẩm và nhựa. Nhóm nghiên cứu cho biết nhiều chất hóa học được tìm thấy trong máu thai phụ liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ - căn bệnh đang gia tăng ở Mỹ, tiền sản giật - biến chứng thai kỳ nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, và tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng các axit béo chuỗi dài được tìm thấy trong máu thai phụ trước đây chỉ được ghi nhận ở những người mắc hội chứng Reye - một tình trạng nghiêm trọng gây sưng tấy ở gan và não và chưa từng được phát hiện những người khỏe mạnh.

Jessica Trowbridge - nhà nghiên cứu tại UCSF và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết những loại axit béo được tìm thấy trong máu của người tham gia là vấn đề đặc biệt đáng quan tâm vì chất này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhựa trong khi những tác động đến sức khỏe của chúng vẫn chưa rõ ràng.

Nghiên cứu được coi là “lời cảnh tỉnh” cho các nhà hoạch định chính sách về tác động của các hóa chất nhựa và PFAS phổ biến, Woodruff nói.

Đầu tháng này, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã báo cáo rằng 45% nước uống ở nước này nhiễm PFAS.

PFAS liên quan đến các vấn đề sức khỏe bao gồm ung thư, giảm khả năng sinh sản và bệnh thận. Các hóa chất này có thể ngấm vào nước uống từ các khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải, bãi chôn lấp.

Giới chức Mỹ đã đề xuất các tiêu chuẩn nước uống quốc gia cho sáu loại PFAS và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã công bố một khuôn khổ mới nhằm ngăn chặn một số hóa chất PFAS mới xâm nhập thị trường. Các công ty hóa chất khổng lồ 3M và Dupont, cùng các nhà sản xuất khác, gần đây đã đồng ý chi cho các cộng đồng bị ảnh hưởng hàng tỷ USD để kiểm tra các hóa chất độc hại có trong nước uống và loại bỏ chúng.

Nguồn: