Đáng chú ý, trong số 66 triệu USD gọi được, thương vụ của BuyMed đã chiếm 51,5 triệu USD - tương đương gần 80%.

Ruangguru mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam
Tháng 5 năm nay, Ruangguru (công ty công nghệ giáo dục có trụ sở tại Indonesia) đã mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam. Đây là một trong bốn thương vụ mua lại thành công trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Ruanguru

Nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn mới đây cho biết,tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã giảm 82% từ 372 triệu USD trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 66 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Con số này cho thấy cho thấy mùa đông gọi vốn vẫn đang tiếp tục kéo dài.

Traxn lý giải sự sụt giảm có thể là do điều kiện kinh tế toàn cầu không thuận lợi, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ lạm phát tăng cùng các sự kiện bất ổn trên thế giới, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn khi cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp.

Trong đó, các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn gọi được 58,6 triệu USD. Con số này bằng 67% của nửa cuối năm 2022 và chỉ bằng 19% của nửa đầu năm 2022.

Nguồn vốn giai đoạn hạt giống có mức giảm mạnh nhất, chỉ huy động được 7,3 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, giảm 71% so với nửa cuối năm 2022 và giảm 81% so với nửa đầu năm 2022.

Trong nửa đầu năm 2023, số tiền huy động được chủ yếu bắt nguồn từ quý đầu tiên với 58,6 triệu USD - chiếm gần 89% tổng số tiền huy động, một sự tương phản rõ rệt với 8,5 triệu USD huy động được trong quý 2 năm 2023.

Theo Tracxn, bức tranh tài trợ trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu là sự tham gia của các startup trong lĩnh vực công nghệ y tế (HealthTech), công nghệ tài chính (FinTech) và công ty cung cấp giải pháp ứng dụng cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, lĩnh vực HealthTech ghi nhận mức tài trợ kỷ lục là 53,5 triệu USD, tăng 259% so với nửa cuối năm 2022 và tăng 118% so với nửa đầu năm 2022. BuyMed - startup sở hữu trang thương mại điện tử Thuocsi.vn ở Việt Nam và buymed.com.kh ở Campuchia, phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B - mới đây đã gọi vốn thành công 51,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do UOB Ventures Management dẫn đầu.

Ngược lại, lĩnh vực FinTech và các công ty cung cấp ứng dụng doanh nghiệp chỉ nhận được khoản tài trợ ít ỏi, trị giá lần lượt là 6,2 triệu USD và 5,1 triệu USD.
t
Ba nhà đồng sáng lập BuyMed. Tính đến hiện tại, BuyMed đã gọi được tổng cộng 63,5 triệu USD trong các vòng hạt giống, Series A và Series B. Ảnh: BuyMed

Bất chấp xu hướng sụt giảm, Tracxn cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Hơn nữa, nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng một nền kinh tế không dùng tiền mặt sẽ góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái FinTech trong khu vực.

Đáng chú ý, nửa đầu năm 2023 không chứng kiến ​​sự xuất hiện của bất kỳ kỳ lân hay đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào. Thị trường ghi nhận bốn vụ mua lại trong nửa đầu năm 2023, so với ba vụ mua lại vào nửa cuối năm 2022 nhưng thấp hơn so với năm vụ mua lại vào nửa đầu năm 2022. M Class, VLeisure, CrewFire và Duelist King là bốn công ty đã được mua lại thành công.

Về mặt địa lý, Tracxn lưu ý rằng TPHCM, Hà Nội là những khu vực thu hút được nhiều khoản đầu tư nhất, chứng minh sức hút của hai thành phố này trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.

Touchstone Partners, TNB Aura và ThinkZone là những nhà đầu tư “rót tiền" nhiều nhất vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam; trong khi ThinkZone, East Ventures và YCombinator dẫn đầu trong các khoản đầu tư giai đoạn hạt giống.

Smile Gate Investments, UOB và Pavilion Capital Partners là những nhà đầu tư tích cực nhất trong giai đoạn đầu.

Cuối tháng 3 vừa qua, quỹ mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng công bố Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023. Với 134 thương vụ, Việt Nam đứng thứ ba về số lượng thương vụ ở Đông Nam Á. Tuy vậy, tình hình sụt giảm tài trợ nhanh chóng trong những năm gần đây đang thử thách các startup.