Tại hội thảo khuyến nông ngày 15/3 ở Trà Vinh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết Ngân hàng Thế giới WB đã cam kết mua lại tất cả tín chỉ carbon trong đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với giá 10 USD/tín chỉ.

Người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL có thể thu nhập tăng thêm từ việc bán tín chỉ cacbon. Ảnh: H.A
Người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL có thể có thu nhập tăng thêm từ việc bán tín chỉ cacbon với giá khoảng 100 USD/ha. Ảnh: H.A

Theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mỗi ha lúa có thể giảm từ 5 – 10 tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với 5 – 10 tín chỉ, thu lợi 50 – 100 USD. Như vậy, nếu đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, giá trị thu được của ĐBSCL từ việc bán tín chỉ có thể lên đến 50 – 100 triệu USD mỗi năm.

Đáng chú ý, giá bán tín chỉ carbon có thể tăng cao hơn nữa nếu Việt Nam đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc (dự kiến từ năm 2028).

Vào vụ lúa hè thu năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ thí điểm trước mô hình tín chỉ carbon ở năm cánh đồng tại các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, bao gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Mỗi điểm được chọn triển khai thí điểm có diện tích từ 50 – 70ha, tổng quy mô thí điểm vào khoảng 250ha. Quá trình thí điểm kéo dài trong ba vụ lúa trước khi áp dụng rộng rãi cho toàn đề án. Đề án dự kiến sẽ triển khai tại 12/13 tỉnh của ĐBSCL, trừ Bến Tre.

Thực tế, việc khai thác tín chỉ carbon từ trồng lúa là khả thi và không nằm ngoài các hoạt động nâng cao chất lượng, năng suất, tiết giảm nguyên vật liệu đầu vào quen thuộc. Bằng cách áp dụng những phương pháp canh tác như bón phân lân, tái sử dụng/tái chế rơm rạ, sử dụng phân bón hữu cơ, người trồng lúa có thể cắt giảm được một lượng đáng kể khí thải carbon.

Tuy nhiên, sản lượng lúa trồng theo cách này sẽ giảm so với hiện nay. Tháng Mười năm ngoái, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng lúa xuất khẩu khi áp dụng đề án sẽ giảm từ khoảng 7 triệu tấn như hiện nay xuống còn khoảng 5 triệu tấn mỗi năm. Ngược lại, giá lúa có thể tăng do chất lượng nông sản tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của quốc tế.


Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi tương đương sang 1 tấn CO₂.

Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2003 – 2020 của Bộ NN&PTNT đã đem lại 7 triệu EUR (khoảng 180 tỷ đồng) từ việc bán 3 triệu tín chỉ carbon, (tính ra giá bán khoảng 2,33 EUR/tín chỉ) thông qua sử dụng khí sinh học (biogas) ở các hộ gia đình, hộ chăn nuôi tại 52 tỉnh thành.

Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới, với đơn giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là lượng tín chỉ carbon được thống kê ở vùng rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Người trồng rừng là chủ thể được thụ hưởng nguồn lợi này.