Cà chua là trái cây hay rau củ? Câu trả lời còn tùy thuộc vào người được hỏi. Chẳng hạn, một nhà thực vật học có thể sẽ nói nó là trái cây nhưng một luật sư lại lập luận theo cách khác. Cuộc tranh luận này đã tồn tại từ lâu và thi thoảng vẫn xuất hiện trên các mặt báo.

Cà chua là trái cây hay rau củ?Ảnh: Wikimedia
Cà chua là trái cây hay rau củ?Ảnh: Wikimedia

Trái cây là cấu trúc mang hạt của các loại thực vật có hoa; rau củ là tên gọi chung của những bộ phận trên cơ thể thực vật được con người và động vật dùng làm thức ăn, bao gồm thân, lá, rễ, hạt, hoa, quả,... Trái cây là định nghĩa trong ngành thực vật học, còn rau củ là thuật ngữ ẩm thực, và việc sử dụng kết hợp cả hai cách gọi thường gây ra không ít sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, các loại trái cây cũng mang giá trị về mặt ẩm thực khi chúng thường có vị ngọt và được dùng như đồ ăn nhẹ hoặc món tráng miệng; trong khi rau củ thì ít ngọt hơn và thường là một phần của món chính hoặc món phụ. Dựa trên quan niệm này, cà chua có thể được xếp là rau củ, giống như trường hợp của đậu xanh, bí ngô, dưa chuột, cà tím,…

Tại Mỹ, Tối cao Pháp viện1 (Supreme Court hay Tòa án Tối cao) cũng từng vài lần bị kéo vào cuộc tranh cãi về vị thế của cà chua. Năm 1893, một nhà buôn thực phẩm tại Manhattan tên là John Nix đã đệ đơn kiện cơ quan thuế vụ cảng New York liên quan đến giá trị lô cà chua nhập khẩu của ông ta. Mười năm trước, Quốc hội Mỹ đã thông Đạo luật Thuế 1883 – tăng gấp ba thuế đánh vào rau củ nhập khẩu nhưng trái cây lại được miễn. Công ty John Nix & Co., một trong những nhà nhập khẩu và bán lẻ nông sản hàng đầu New York, đã tính toán rất kỹ rằng họ có thể tiết kiệm được một số tiền [thuế] đáng kể nếu thuyết phục được tòa và công chúng công nhận cà chua là trái cây chứ không phải rau củ. Vụ kiện sau đó được chuyển lên Tối cao Pháp viện. Trước tòa, luật sư của John Nix đã đối chiếu ba cuốn từ điển khác nhau rồi đọc to các định nghĩa về “trái cây” và “rau củ”. Hai nhân chứng khác là những chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm buôn bán trái cây và rau củ cũng được mời để lấy ý kiến, rằng các định nghĩa này liệu có mang “bất cứ ý nghĩa đặc biệt nào về mặt thương mại hay không?”.

Một nhân chứng đã cung cấp lời tường trình như sau: “Mặc dù những định nghĩa trong từ điển không thể phân loại tất cả mọi thứ (trái cây và rau củ), nhưng chúng nhìn chung vẫn đúng trong phạm vi mà chúng đề cập. Tôi nghĩ hai từ ‘trái cây’ và ‘rau củ’ hiện nay đều có cùng ý nghĩa về mặt thương mại như đã được quy định trong Đạo luật Thuế bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/3/1883. Tôi cũng hiểu rằng ‘trái cây’ là thuật ngữ chỉ được áp dụng cho các loại cây hoặc những phần có chứa hạt của cây. Trong khi danh mục rau củ thì phong phú hơn nhiều so với định nghĩa của từ điển Webster, bao gồm bắp cải, súp lơ, củ cải, khoai tây, đậu Hòa Lan, đậu xanh và những thứ tương tự”. Nhân chứng còn lại cũng đồng tình rằng các thuật ngữ ‘trái cây’ và ‘rau củ’ không hề mang ý nghĩa thương mại đặc biệt nào.

Sau khi thu thập đủ ý kiến, thẩm phán Horace Gray (1828 – 1902) kết luận: vì hai thuật ngữ trên không có ý nghĩa đặc biệt về mặt thương mại, cho nên tòa sẽ áp dụng định nghĩa thông thường, tức cà chua là rau củ theo cách hiểu của những người bán và tiêu dùng thực phẩm. Trong phán quyết, ông nói: “Trên khía cạnh thực vật học, cà chua là quả của một loại cây leo, giống như dưa chuột, bí đao, đậu Hà Lan, đậu,... Nhưng theo ngôn ngữ thông dụng của công chúng, dù là người bán hay người tiêu thụ thực phẩm, thì tất cả đều được coi là rau củ trồng trong vườn; và cho dù được ăn sống hay nấu chín, chúng cũng giống như khoai tây, cà rốt, củ cải, củ dền, củ cải trắng, súp lơ, bắp cải, cần tây, rau diếp,... thường được phục vụ trong bữa tối cùng với súp, thịt hoặc cá như là thành phần chính của bữa ăn, và không giống như trái cây – thường được dùng làm món tráng miệng”.

Đó không phải là lần đầu tiên mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ buộc phải đưa ra phán quyết về định nghĩa của một loại thực vật. Vào năm 1886, một nhà nhập khẩu nông sản cũng tranh cãi rằng đậu là hạt giống, nhưng Thẩm phán Joseph Bradley (1813 – 1892) đã xác định nó là rau củ. “Chúng tôi không hiểu tại sao lại phân loại đậu là hạt giống. Giống như hạt dẻ cười, cả hai đều là hạt giống – theo ngôn ngữ thực vật học và lịch sử tự nhiên, nhưng không phải trong thương mại hay ngôn ngữ thông dụng. Mặt khác, khi nhắc đến thực phẩm nói chung, đậu có thể đã được bao gồm trong thuật ngữ ‘rau củ’”. Năm 2005, một cuộc tranh cãi nữa lại nổ ra khi tiểu bang Tennessee và Ohio đều chọn cà chua là loại trái cây tiêu biểu; trong khi New Jersey, dựa trên án lệ2từ vụ kiện của John Nix & Co lại xác định cà chua là rau củ. Tháng 12/2001, để tránh phát sinh những nguy cơ tranh chấp, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành chỉ dẫn xếp cà chua vào danh mục trái cây, cùng với cà rốt, khoai lang, dưa chuột, bí ngô, dưa hấu,…

Vấn đề sau cùng nằm ở sự sai biệt giữa quy ước và thực tiễn. Nếu hiểu cà chua như là một cấu trúc hữu cơ thì chúng ta cần phải công nhận tư cách trái cây của nó. Nhưng khi thảo luận về lựa chọn trong lĩnh vực thực phẩm thì việc gọi cà chua như một loại trái cây sẽ rất dễ gây hiểu lầm, vì cà chua chủ yếu được sử dụng giống như rau củ trong các món trộn, làm topping hay kết hợp với nhiều loại gia vị khác. Nhà báo Miles Kington (1941 – 2008) từng nói: “Tri thức cho ta biết cà chua là một loại trái cây, nhưng sự thông thái lại chỉ dẫn ta không đặt nó vào cùng đĩa trái cây tráng miệng”.

Chú thích:
1. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là tòa án liên bang cao nhất tại Hoa Kỳ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ, và có tiếng nói quyết định trong việc giải quyết các tranh tụng về luật liên bang, cùng với quyền tài phán chung thẩm (có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ và của các Viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến). Tối cao Pháp viện là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong Chính phủ Hoa Kỳ, là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp (tất cả tòa án liên bang khác được thành lập bởi Quốc hội). Thẩm phán của Tối cao Pháp viện được bổ nhiệm trọn đời bởi sự đề cử của Tổng thống và Thượng viện phê chuẩn.
2. Đây là hình thức xử án theo kiểu tiền lệ pháp, rất phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, bao gồm Vương quốc Anh, hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ (ngoại trừ tiểu bang Louisiana), Canada (ngoại trừ tỉnh bang Québec) và những thuộc địa trước kia của Anh cũng như các lãnh thổ được ủy trị của Hoa Kỳ. Theo đó, Nhà nước sẽ thừa nhận những phán quyết trước đó của tòa án (trong các tập san án lệ) để làm cơ sở cho những vụ tương tự về sau.