Nghiên cứu mới cho thấy não sản xuất nhiều dopamine hơn khi chúng ta khao khát hoặc đi chơi với người yêu. Nhưng khi chia tay, “dấu ấn hóa học” đặc trưng này cũng phai dần. Nghiên cứu tập trung vào chuột đồng cỏ, loài có đặc điểm nổi bật là nằm trong số 3-5% loài động vật có vú có mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng.

Hormone dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh mang lại niềm vui và khoái cảm, cũng chính là hormone tạo ra cảm giác thèm đường, nicotine và cocaine. Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Current Biology, não bộ sản xuất nhiều dopamine hơn khi chúng ta mong mỏi hay dành thời gian bên người mình yêu. Tuy nhiên, khi chia tay, “dấu ấn hoá học” đặc trưng này sẽ dần phai nhạt.

Chỉ cần nghĩ đến việc hẹn hò cùng người yêu tối nay, một cơn lũ dopamine sẽ tràn ngập hệ thống tưởng thưởng của não bộ, thôi thúc bạn dũng cảm vượt qua dòng xe cộ để đến gặp người yêu. Nhưng nếu bữa tối ấy chỉ với một đồng nghiệp thông thường, cơn lũ này có thể chỉ là một dòng chảy nhỏ.

Tác giả chính của nghiên cứu, Zoe Donaldson, Phó Giáo sư Khoa học Thần kinh hành vi tại Đại học Colorado Boulder (CU Boulder), cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã tìm thấy một dấu hiệu sinh học của sự ham muốn, từ đó giải thích lý do tại sao có những người chúng ta muốn ở bên nhiều hơn những người khác”.

Donaldson và các nhà thần kinh học tại CU Boulder đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này trên chuột đồng thảo nguyên (prairie vole), một trong số 3-5% loài động vật có vú có mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng.

Giống con người, loài gặm nhấm mắt to, lông xù này có xu hướng kết đôi lâu dài, cùng nhau xây dựng tổ ấm, chăm sóc con cái và trải qua cảm giác tương tự như đau buồn khi mất bạn đời.

Chuột đồng thảo nguyên, một trong số ít động vật có vú có tập tính kết đôi chung thuỷ.
Ảnh: Internet

Bằng cách nghiên cứu chúng, Donaldson hy vọng sẽ có được góc nhìn mới về những gì diễn ra bên trong não bộ con người khi hình thành các mối quan hệ thân mật, cũng như cách chúng ta vượt qua tổn thương (dưới góc độ thần kinh học) khi những mối quan hệ ấy tan vỡ.

Nghiên cứu mới đã giải quyết được cả hai vấn đề, khi lần đầu chứng minh chất dẫn truyền thần kinh dopamine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tình yêu.

“Là con người, về cơ bản thì toàn bộ thế giới xã hội của chúng ta được định nghĩa bởi ham muốn tương tác với những người khác ở nhiều mức độ, dù đó là người yêu hay bạn bè thân thiết”, Donaldson cho biết, “Nghiên cứu này chỉ ra rằng một số người để lại dấu ấn hóa học độc nhất trong bộ não chúng ta, thúc đẩy ta duy trì những mối quan hệ này lâu dài”.

Cách tình yêu “thắp sáng” trí não

Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Donaldson và các đồng nghiệp sử dụng công nghệ chụp ảnh thần kinh hiện đại để đo lường theo thời gian thực những diễn biến trong não của một con chuột đồng khi cố gắng đến gần bạn đời. Có lần, con chuột phải nhấn một cần gạt để mở cửa vào căn phòng có bạn đời đang đợi. Lần khác, con chuột phải trèo qua hàng rào để đoàn tụ với “người yêu”.

Cùng lúc đó, có một cảm biến sợi quang cực nhỏ theo dõi hoạt động từng mili giây trong nhân accumbens của con chuột. Nhân accumbens là vùng não có vai trò thúc đẩy con người tìm kiếm những thứ mang lại cảm giác kích thích - từ nước, thức ăn đến ma túy. (Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh ở người đã cho thấy nhân accumbens chính là vùng não "sáng lên" khi chúng ta nắm tay người yêu).

Anne Pierce - đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích rằng mỗi khi cảm biến phát hiện ra một lượng dopamine tăng đột ngột, nó sẽ “sáng lên như một que phát sáng”. Cô cũng cho biết, khi những con chuột đẩy cần gạt hoặc trèo qua tường để gặp bạn đời, sợi quang sẽ “cháy sáng”, và vẫn tiếp tục “cháy” khi chúng âu yếm và ngửi hơi nhau.

Ngược lại, nếu ở bên kia cánh cửa hoặc bức tường là một con chuột khác không phải bạn đời, “que phát sáng” sẽ mờ đi. (Trong một nghiên cứu trước đó, khi dopamine giảm, con chuột cũng không cố gắng nhiều để vào gặp bạn).

Pierce cho biết: “Điều này cho thấy dopamine không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chúng ta tìm kiếm người yêu, mà thực tế là nồng độ dopamine trong hệ thống phần thưởng của não bộ còn cao hơn khi ta ở bên cạnh người yêu so với khi ở bên cạnh một người lạ”.

Dopamine có vai trò quan trọng trong việc duy trì tình yêu. Ảnh: internet
Dopamine có vai trò quan trọng trong việc duy trì tình yêu. Ảnh: internet

Hy vọng cho những trái tim tan vỡ

Trong một nghiên cứu khác, cặp chuột đồng bị tách ra trong bốn tuần - một khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời của loài gặm nhấm này, đủ lâu để những con chuột trong tự nhiên đi tìm bạn tình mới.

Khi được đoàn tụ, chúng vẫn nhận ra nhau, nhưng lượng dopamine đặc trưng của chúng gần như đã biến mất. Về bản chất, dấu hiệu ham muốn đó đã không còn nữa. Đối với bộ não của chúng, bạn tình cũ giờ không khác gì bất kỳ con chuột đồng nào khác.

Donaldson cho biết: “Chúng tôi coi đây là một kiểu tái thiết lập trong não, giúp con vật tiếp tục cuộc sống và hình thành mối quan hệ mới.”

Đây có thể là tin tốt cho những ai phải trải qua một cuộc chia tay đau khổ, hoặc thậm chí mất đi bạn đời. Bởi vì bộ não vốn có một cơ chế bảo vệ chúng ta khỏi tình đơn phương dai dẳng.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ chính xác của kết quả trên chuột đồng thảo nguyên đối với con người, những sinh vật có bộ não lớn hơn và đi bằng hai chân. Nhưng họ tin rằng nghiên cứu này cuối cùng sẽ có thể giúp ích cho những người khó hình thành các mối quan hệ thân thiết, hay những người đang vật lộn để vượt qua nỗi mất mát - một tình trạng được gọi là rối loạn đau buồn kéo dài.

“Hy vọng sau khi hiểu các mối liên kết lành mạnh trong não bộ được hình thành ra sao, chúng ta có thể bắt đầu xác định các phương pháp điều trị mới để giúp đỡ nhiều người có cuộc sống xã hội bị ảnh hưởng bởi bệnh tâm lý”, Donaldson kết luận.


Nguồn: