Bằng cách theo dõi điểm nhìn của trẻ khi xem phim hoạt hình, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva (UNIGE) nhận thấy rằng sự chú ý ở trẻ tự kỷ không đi theo cùng quỹ đạo phát triển như trẻ bình thường, thay vào đó, mỗi trẻ dần hình thành một cách phân bổ sự chú ý riêng mà mình ưa thích.

Theo quá trình lớn lên, sự chú ý của trẻ sẽ ngày càng tập trung vào các yếu tố xã hội trong môi trường xung quanh, chẳng hạn như khuôn mặt hay tương tác xã hội. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường quan tâm nhiều hơn đến các kích thích phi xã hội như kết cấu hoặc hình khối. Bằng cách theo dõi điểm nhìn của trẻ khi xem phim hoạt hình, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva (UNIGE) nhận thấy rằng sự chú ý ở trẻ tự kỷ không đi theo cùng quỹ đạo phát triển như trẻ bình thường, thay vào đó, mỗi trẻ dần hình thành một cách phân bổ sự chú ý riêng mà mình ưa thích.

Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí eLife, khuyến khích các biện pháp can thiệp sớm nhằm tăng cường sự chú ý xã hội ở trẻ tự kỷ, từ đó giúp các em định hướng theo những lộ trình phát triển tương đồng với bạn bè cùng trang lứa, làm tiền đề cho những hỗ trợ phù hợp với từng cá nhân trẻ.

Bằng cách sử dụng một thiết bị ghi lại chuyển động của mắt theo thời gian thực, nhóm nghiên cứu từ UNIGE đã phân tích sở thích thị giác của 166 trẻ tự kỷ và 51 trẻ phát triển bình thường khi các em xem một bộ phim hoạt hình ngắn. Tất cả trẻ em tham gia nghiên cứu đều là bé trai để đảm bảo tính đồng nhất của mẫu, độ tuổi từ hai đến bảy, và được kiểm tra định kỳ trong quá trình phát triển.

“Mỗi trẻ được cho xem một bộ phim hoạt hình dài ba phút về một chú lừa nhỏ trong nhiều tình huống xã hội khác nhau, chúng tôi không đưa cho các em bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào”, Nada Kojovic, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Tâm thần thuộc Khoa Y của trường UNIGE và là tác giả chính của nghiên cứu, giải thích, “Đây không phải bộ phim hoạt hình được thiết kế riêng cho nghiên cứu mà là một bộ phim được trẻ em trong độ tuổi này hết sức yêu thích”.

Một trẻ tham gia theo dõi chuyển động mắt. Ảnh: Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Trẻ tự kỷ Marcus tại Atlanta
Một trẻ tham gia theo dõi chuyển động mắt. Ảnh: Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Trẻ tự kỷ Marcus tại Atlanta

Trẻ phát triển bình thường tập trung sự chú ý vào các tương tác xã hội giữa các nhân vật, và theo thời gian, các em bắt đầu hướng ánh nhìn nhiều hơn đến những yếu tố xã hội tương tự trong cuộc sống. Trẻ tự kỷ lại không có hiện tượng “đồng bộ hóa” này. Thay vào đó, các em thể hiện sự quan tâm đến các loại kích thích khác - chẳng hạn như đồ vật hoặc những chi tiết bất thường trong khung hình - và theo thời gian, mỗi em sẽ phát triển những sở thích thị giác riêng biệt.

Giáo sư Daphné Bavelier tại Ban Tâm lý học thuộc Khoa Tâm lý học và Khoa học Giáo dục của UNIGE, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Khả năng cao là chúng ta có thể phân trẻ tự kỷ thành các nhóm có sở thích chung, nhưng sự chú ý của các em sẽ không có sự đồng bộ thực sự nào trong quá trình phát triển - không giống như những gì được quan sát thấy ở trẻ phát triển bình thường. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhấn mạnh hiện tượng phát triển này”.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những trẻ tự kỷ có chuyển động mắt tương đồng nhất với trẻ phát triển bình tường thì khả năng hòa nhập cuộc sống và kỹ năng nhận thức đều tốt hơn. Quan trọng nhất là cách một đứa trẻ nhìn nhận bối cảnh xã hội, chẳng hạn như bộ phim hoạt hình được sử dụng trong nghiên cứu này, có thể được dùng để dự đoán những khó khăn xã hội trong tương lai.

Khuyến khích can thiệp sớm

“Những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp trị liệu hướng tới sự chú ý xã hội trong giai đoạn rất sớm ở trẻ tự kỷ, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển nhất. Thật vậy, nghiên cứu này cho thấy, nếu trẻ tự kỷ không bộc lộ sự quan tâm đến các tương tác xã hội từ sớm thì các em sẽ ngày càng thờ ơ với chúng”, Marie Schaer, Phó Giáo sư Khoa Tâm thần thuộc Khoa Y trường UNIGE, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.

Khuyến khích áp dụng các phương pháp can thiệp sớm để cải thiện sự chú ý xã hội ở trẻ mắc ASD. Ảnh: Internet
Khuyến khích áp dụng các phương pháp can thiệp sớm để cải thiện sự chú ý xã hội ở trẻ mắc ASD. Ảnh: Internet

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu của UNIGE dự định áp dụng phương pháp theo dõi chuyển động của mắt để đánh giá những trẻ em được hưởng lợi từ phương pháp can thiệp hành vi có tên “Mô hình can thiệp sớm Denver” (ESDM). Được phát triển ở Mỹ, phương pháp can thiệp hành vi chuyên sâu này nhằm mục đích nâng cao kỹ năng giao tiếp ở trẻ em tự kỷ nhỏ tuổi thông qua các tương tác vui chơi. Kể từ năm 2012, hơn 100 trẻ tự kỷ dưới ba tuổi ở Geneva đã được hưởng lợi từ phương pháp này, cho thấy những kết quả rất khả quan. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng kỹ thuật theo dõi chuyển động mắt sẽ làm sáng tỏ cách thức phương pháp này thúc đẩy sự tiến bộ ở trẻ tự kỷ, từ đó cung cấp một công cụ có thể cải thiện các chiến lược hỗ trợ sự phát triển của trẻ.


Nguồn: