Hổ, báo ghê-pa, và báo tuyết có vẻ xa cách với con người, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể phân biệt giọng nói là của người quen thuộc hay xa lạ với chúng. Điều này chứng tỏ ngay cả những loài động vật có xu hướng sống một mình cũng không hẳn đã là loài kém hòa nhập xã hội.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các động vật thuộc họ mèo được thuần hóa có thể phân biệt giọng nói của chủ nhân với giọng nói của người khác. Giờ đây, chúng ta biết thêm rằng những người anh em họ của mèo nhà, bao gồm hổ, báo ghê-pa và báo sư tử, cũng có thể phân biệt các tông giọng khác nhau – ít nhất là khi sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Giáo sư Jennifer Vonk - Đại học Oakland, ở Rochester, Michigan, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết phát hiện này có thể phản ánh nhu cầu của các loài động vật trong tự nhiên. Chúng cần xác định vị trí đàn con và theo dõi những đối tượng quen và lạ có thể tiếp cận lãnh thổ. Cô cho biết kỹ năng này cũng có thể giúp chúng phát hiện đâu là âm thanh báo động.

Cô nói: “Chúng ta không nên cho rằng tập tính xã hội chỉ liên quan đến việc sống theo bầy đàn và chỉ có việc sống theo nhóm là quan trọng đối với nhận thức”.

Sau nghiên cứu thí điểm ban đầu với 7 cá thể họ mèo thuộc 5 loài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu lớn hơn với 24 cá thể thuộc 10 loài. Trong đó có 16 con được con người nuôi dưỡng và 8 con được mẹ của chúng nuôi dưỡng.

Mỗi con hổ, báo được xem đoạn ghi âm trong đó 5 người nói cùng một cụm từ "Chào buổi sáng, hôm nay bạn thế nào?". Trong đó, 4 người xa lạ và 1 là giọng nói quen thuộc, chẳng hạn như giọng của người nuôi thú. Quá trình được lặp lại liên tục và có lúc trong bản ghi âm có thêm cả tên của chúng.

Nhóm đã ghi lại và phân tích phản ứng và hành vi của động vật sau mỗi lần phát đoạn ghi âm - chẳng hạn như thay đổi ánh mắt, chuyển động đầu, di chuyển lại gần nơi phát ra tiếng nói hoặc tránh xa âm thanh hoặc các âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng gầm gừ của chúng.

Kết quả cho thấy, bất kể giới tính và được con người hay mẹ nuôi dưỡng, động vật họ mèo phản ứng nhanh hơn, lâu hơn và mạnh mẽ hơn với giọng nói quen thuộc của con người so với 4 giọng nói xa lạ còn lại. Việc gọi tên hoặc loại bỏ tên của những con mèo trong các bản ghi không tạo ra nhiều khác biệt.

Vonk nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi kết quả lại rõ ràng như vậy. Tôi nghĩ đối với công chúng, thật thú vị khi biết rằng các loài thuộc họ mèo không xa cách và thờ ơ với con người như những gì chúng ta vẫn nói về chúng”.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả cũng cho thấy khả năng nhận biết giọng nói của từng cá nhân con người không phải là kết quả của quá trình thuần hóa mà chỉ đơn giản là do tiếp xúc thường xuyên với con người. Vonk cho rằng kết quả tương tự có thể được tìm thấy ở các loài thuộc họ mèo trong tự nhiên – nếu chúng thường xuyên nghe thấy giọng nói con người.

Tuy nhiên, nghiên cứu này có những hạn chế, bao gồm cả quy mô mẫu vẫn còn nhỏ, có nghĩa là nhóm không thể phân tách kết quả theo loài, và tất cả động vật đều được nuôi nhốt, hầu hết được nuôi cùng một chỗ.

Nguồn: