Khoảng cách gần nhau giữa Trái đất và Proxima b - hành tinh được cho là có điều kiện phát triển sự sống - cùng sự tiến bộ về công nghệ khiến các nhà khoa học hy vọng rằng tàu vũ trụ có thể đến hành tinh mới phát hiện này trong 50 năm tới.

Các nhà khoa học thuộc Đài thiên văn Nam Âu (ESO) và Đại học Harvard vừa tìm ra Proxima b - hành tinh đá được xem là “người anh em” của Trái đất với những điều kiện gần như hoàn hảo để phát triển sự sống.

Hành tinh có bầu trời màu đỏ

Theo Nature, Proxima b quay quanh ngôi sao lùn đỏ gần hệ Mặt trời nhất là Proxima Centauri - ngôi sao nhỏ nhất trong hệ thống sao Centauri Alpha. Nó có “các điều kiện hoàn hảo để hỗ trợ sự sống như Trái đất”, lớn hơn Trái đất khoảng 30%, đủ ấm áp để nước lỏng có thể tồn tại, gần như chắc chắn có đất, đá, thậm chí cả khí quyển.

Cặp song sinh Trái đất - Proxima b. Ảnh: UPR

Trước nay đã có nhiều hành tinh tương tự được phát hiện. Điều đặc biệt ở Proxima b chính là nó chỉ cách Trái đất 4,23 năm ánh sáng nên được coi là “bản sao hoàn hảo” gần địa cầu nhất, mở ra kỳ vọng khám phá, du lịch và kể cả di dân.

Proxima b được phát hiện qua dữ liệu về hiệu ứng Doppler từ các kính viễn vọng tại Chile. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy thiên thể này qua các dữ liệu thu được từ năm 2000-2014 và 2016. Hơn 30 nhà thiên văn học đã phải mất nhiều thời gian nghiên cứu chuyển động của ngôi sao mẹ Proxima Centauri trước khi công bố phát hiện này ngày 24/8.

Dù được coi là bản sao của Trái đất, nhưng Proxima b vẫn có khác biệt đáng kể. Khoảng cách giữa nó và sao mẹ chỉ bằng 5% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời nên chỉ mất 11,2 ngày để quay một vòng quanh quỹ đạo.

Điều này cộng với việc Proxima b chịu tác động của tia cực tím và tia X từ Proxima Centauri khiến nó có khí hậu rất khác Trái đất, môi trường chứa nhiều phóng xạ. Bầu trời của nó không xanh mà có một màu đỏ kỳ lạ. Nhiệt độ trên Proxima b dao động từ -90-300C.

Dù vậy, các nhà khoa học khẳng định, Proxima b vẫn hội đủ các yếu tố để sự sống tồn tại. “Với một hành tinh có các điều kiện như Proxima b, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng nơi đây có thể duy trì sự sống” - ông Guillem Anglada-Escude - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết.

“Nếu những nghiên cứu sâu hơn xác nhận bầu khí quyển của Proxima Centauri phù hợp cho sự sống thì đây là một trong những phát hiện lớn nhất trong sự nghiệp của chúng tôi” - tiến sỹ John Barnes - ở Đại học Open (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Dự án khám phá Proxima b

Nhà vật lý học Stephen Hawking và tỷ phú Nga Yuri Milner có lẽ là những người vui mừng nhất khi biết tin về Proxima b. Hồi tháng 4, họ đã cùng tuyên bố kế hoạch gửi tàu thăm dò vũ trụ để tìm thông tin và sự sống ở một hệ thống sao gần đó.

Ông Milner từng cam kết tài trợ 100 triệu USD cho dự án Breakthrough Starshot, với mục đích chế tạo các tàu vũ trụ có vận tốc đạt 20% vận tốc ánh sáng với hệ thống động cơ đẩy laser. Chúng sẽ được gửi đến hệ thống sao gần Mặt trời nhất là Alpha Centauri.

Nhưng với việc tìm ra Proxima b, kế hoạch sẽ thay đổi. “Phát hiện này tiếp thêm sinh lực cho dự án, giúp chúng tôi có mục tiêu rõ hơn trong các sứ mệnh khám phá” - ông Abraham Loeb - thuộc dự án Breakthrough Starshot nói.

Ông Loeb cho rằng, sắp tới Breakthrough Starshot cần phóng một tàu vũ trụ có thiết bị chụp ảnh tối tân để tiếp cận Proxima b nhằm có được những tấm hình gửi về Trái đất. Đây là điều rất quan trọng nhằm xác định thiên thể này có màu xanh của đại dương, sự sống hay chỉ toàn màu nâu của đất, đá.

Breakthrough Starshot cho biết sẽ sớm khởi động dự án này và phóng tàu vũ trụ trong khoảng 2-3 thập kỷ nữa, đặt mục tiêu đến Proxima Centauri sau đó khoảng 20 năm. Tiếp đến, những bức ảnh về Proxima b sẽ được gửi về và đến Trái đất sau 4,23 năm.

Các nhà nghiên cứu lý giải, tàu thăm dò cỡ nhỏ là lựa chọn hợp lý để di chuyển đến Alpha Centauri vào thời điểm này. Bởi lẽ, các tàu vũ trụ truyền thống sẽ phải mất đến 20.000 năm mới có thể đến đích. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của dự án là tập trung nghiên cứu và chế tạo hệ thống động cơ đẩy bằng laser.