Các tòa nhà bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả có thể giúp cắt giảm một khoản chi phí khổng lồ cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính cho Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các công trình như vậy ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Một số công trình xanh, xử dụng năng lượng bền vững của Edeec.
Một số công trình xanh, xử dụng năng lượng bền vững của Edeec.

Ngành xây dựng và các tòa nhà ở Việt Nam chiếm đến 35-40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc và thải ra khoảng 12% khí nhà kính - mức cao nhất so với các nước trên thế giới và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong ngành này được dự báo còn tăng trong ít nhất một thập kỷ tới.

“Với số lượng lớn các hoạt động xây dựng như vậy, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy các tòa nhà bền vững để sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu”, nghiên cứu viên cao cấp của EU về lĩnh vực năng lượng TS. Michael A. Waibel thuộc trường Đại học Hamburg (Đức) từng nhận định trong Hội thảo Chuyên đề tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020.

Tuy nhiên, tính đến năm 2022, cả nước ta mới chỉ có khoảng 300 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh. Đây là một con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới, theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group tổ chức mới đây.

Rào cản đầu tư

Trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ, theo đánh giá của PGS. TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng toà nhà… Cho đến nay, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. “Cách đây khoảng hơn 10 năm thì ở Việt Nam chưa có công trình xanh nào cả nhưng đến nay đã có khoảng 300 công trình, năm sau đã cao hơn năm trước. Điều này cho thấy các cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh đã bước đầu đạt được kết quả tích cực”, PGS. TS Lê Trung Thành nhận định.

Khảo sát gần đây của UNDP với gần 15 tòa nhà tại Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ bằng những biện pháp đơn giản như thay đổi hệ thống chiếu sáng hoặc cải thiện điều hòa, các tòa nhà cũ sẽ tiết kiệm 50% năng lượng tiêu thụ; trong khi với những tòa nhà xây dựng mới, các biện pháp triển khai tích hợp từ khâu thiết kế, vật liệu đến lắp đặt có thể giúp giảm từ 25-67% năng lượng tiêu thụ.

Một số công trình xanh, xử dụng năng lượng bền vững của Edeec.
Một số công trình xanh, xử dụng năng lượng bền vững của Edeec.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững, câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường luôn luôn là chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng, đây là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam, bên cạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển.

Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành. Song, đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển. Theo ông Vũ, để hóa giải áp lực chi phí trong việc phát triển công trình xanh, chủ đầu tư nên hướng tới thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế - bao gồm tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong nhà, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho chứng chỉ.

Khi các hạng mục này hoàn thành như là nền tảng chất lượng cần phải có, thì việc lấy chứng chỉ công trình xanh sẽ trở nên rất dễ dàng và rẻ, vì điểm tiết kiệm năng lượng và môi trường đã rất cao, thậm chí là đạt tối đa. Sau đó chỉ cần bổ sung thêm một vài yếu tố xanh đơn giản để lấy đủ điểm cho hạng mức chứng chỉ mong muốn. Tuy nhiên theo ông Vũ, đáng tiếc là cách tiếp cận này đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tính toán và quy trình thiết kế mới so với những gì đang thực hiện phổ thông tại Việt Nam, do đó hầu hết nhà đầu tư đang tiếp cận theo phương thức thiết kế thông thường, thậm chí là đơn giản hóa quy trình, không tính toán các lợi ích kinh tế - năng lượng từ sớm mà chỉ đơn giản là ký thêm hợp đồng với tư vấn xanh, giúp bổ sung các yêu cầu lấy điểm xanh. Phương thức này sẽ đòi hỏi nhiều chi phí bổ sung cho các hạng mục xanh, trong khi rất khó đảm bảo được các lợi ích cốt lõi. “Tôi cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách”, ông Trần Thành Vũ nhận định.

Một giải pháp giảm chi phí

Giới thiệu về công cụ số hoá, mô phỏng vận hành tòa nhà Openstudio, ông Trần Thành Vũ cho biết, việc mô phỏng ý tưởng, hình khối; thiết kế ý tưởng; giảm tải nhiệt; tích hợp và tối ưu hóa thiết kế; lựa chọn thiết bị và các giải pháp kỹ thuật khác có thể giúp tối ưu vận hành theo thời gian thực và tính toán dự báo việc sử dụng năng lượng, kiểm tra tiện nghi công trình, tối ưu hóa chi phí đầu tư, giảm thiểu chi phí vận hành, kiểm tra thời gian hoàn vốn khi tăng hiệu quả năng lượng.

Tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc tại Hà Nội là một trong những công trình đạt Chứng chỉ Xanh LOTUS Bạch Kim của Hội đồng công trình xanh Việt Nam.
Tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc tại Hà Nội là một trong những công trình đạt Chứng chỉ Xanh LOTUS Bạch Kim của Hội đồng công trình xanh Việt Nam.

Đối với công trình mới, theo ông Vũ, vấn đề kinh tế, năng lượng công trình cần được đưa vào đề bài thiết kế với mục tiêu rõ ràng; bổ sung vai trò của kỹ sư năng lượng, tối ưu thiết kế, tối ưu phân bố vốn đầu tư vào các thành phần công trình. Đồng thời, việc lựa chọn thiết bị và thiết lập điều khiển hệ thống cần được tính toán, may đo cho mỗi công trình, tối ưu điều khiển bằng IoT, clouds theo thời gian thực. “Chỉ lấy chứng chỉ xanh khi đã đảm bảo lợi ích cốt lõi. Chứng chỉ xanh không phải là sự đảm bảo cho hiệu quả đầu tư, hiệu quả năng lượng”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đối với các công trình đang vận hành, theo ông Vũ, các dịch vụ đo đếm, theo dõi năng lượng IoT không phải là giải pháp triệt để giúp tăng hiệu quả năng lượng. Nhiều tòa nhà có thể tận dụng hạ tầng sẵn có để năng cao hiệu quả năng lượng, không cần thay thế thiết bị, vật liệu hoặc thay rất ít. Bên cạnh đó, cần tính toán cụ thể mỗi giải pháp cải tạo đem lại hiệu quả gì, thời gian hoàn vốn bao lâu để ra quyết định.

Theo nhận xét của TS. Waibel vào năm 2020, về khuôn khổ pháp lý cho các tòa nhà, trách nhiệm đã được san sẻ giữa Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chẳng hạn, các cao ốc xây mới phải sử dụng tỷ lệ gạch không nung hoặc vật liệu cách nhiệt nhất định và đáp ứng các tiêu chuẩn về ánh sáng tự nhiên. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế như UNDP, USAid, IFC… cũng đã hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài trợ cho các dự án thí điểm ở Việt Nam. Thậm chí Việt Nam đã có những chứng nhận công trình xanh như LOTUS, LEED và EDGE áp dụng cho hơn 87 công trình, tuy nhiên việc tham gia đánh giá mới chỉ là tự nguyện và số lượng công trình xanh còn rất ít sau gần một thập kỷ triển khai.

TS. Waibel nhận xét, những công nghệ và kỹ thuật để Việt Nam tiết kiệm năng lượng không phải là khó và đã có sẵn, tuy nhiên thực tế việc chuyển đổi năng lượng cho các tòa nhà liên quan nhiều đến chính sách và nhận thức của con người nhiều hơn. Do vậy, các nền tảng đã có của Việt Nam phải được liên kết, mở rộng, thực thi hiệu quả hơn hoặc trở thành bắt buộc.

Kinh nghiệm của nước Đức chỉ ra rằng sẽ cần sử dụng cả công cụ thị trường và thông tin để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà. Hiện người tiêu dùng Việt Nam còn rất “dễ dãi” trong việc chấp nhận mua hoặc sử dụng tòa nhà mà không cần biết mức tiêu thụ năng lượng của nó. Do chưa có đòi hỏi từ thị trường, phần lớn chủ đầu tư cũng chưa chú trọng những giải pháp tích hợp, công nghệ, thực hành năng lượng bền vững ngay từ khâu thiết kế. Nhưng một khi nhận thức của cộng đồng tăng lên, Việt Nam sẽ phát sinh những đòi hỏi mới, chẳng hạn như ban quản lý tòa nhà phải công bố mức tiêu thụ năng lượng tiềm năng để cư dân biết họ sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền điện mỗi tháng, hoặc người mua nhà sẽ yêu cầu so sánh giữa các chứng chỉ bền vững của dự án để ra quyết định mua bán. Những đòi hỏi thông tin về năng lượng như vậy sẽ dần tạo áp lực lên thị trường nhà ở, buộc các tòa nhà phải chuyển đổi để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.