Cho đến giờ, dẫu đã ngót nghét 15 năm được học và có không biết bao lần gặp gỡ, trò chuyện với Cô, tôi vẫn chưa hết cảm giác “sờ sợ” mỗi khi bắt máy gọi điện hỏi thăm hay hẹn tới hàn huyên tại tư gia của Cô.

PGS. TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: MAT.
PGS. TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: MAT.

Cảm giác ấy, hẳn là do tôi tự thấy mình lúc nào cũng vụng về thơ dại mà vận vào, sẽ đi qua rất nhanh, rồi tức thì tôi được trở lại đúng tâm thế nhẹ nhõm, thanh yên như khi trở về cố quận xa xôi của mình. Cô mở cửa và riêng điều này thôi, tôi nghĩ mình đã nói hộ cho bao người: Cô chào đón bằng nụ cười thật tươi và thân tình, khỏe khoắn. Cả không gian và cuộc gặp gỡ, từ phút đó trở đi, không ngừng vui đến mức chẳng nỡ dứt rời…

1. Nhiều thế hệ sinh viên Khoa Văn Sư phạm chúng tôi đều yêu thích và ấn tượng với nụ cười ấy. Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên rằng đời đi học, đi dạy của Cô đâu có quá nhiều may mắn hanh thông, xuôi chèo mát mái mọi sự, rằng đời sống thường ngày đâu phú quý vinh hoa mà sao Cô giữ được nét thanh thoát và tươi vui trên khuôn mặt, nụ cười đến thế. Và, thú thật, đôi lần tôi còn trộm nghĩ nếu Cô làm việc trong ngành ngoại giao thì chỉ riêng thần thái sang trọng, khả năng ăn nói sâu sắc và thông thái, sẽ là một lợi thế để Cô thành công. Nhưng dù sao, về cơ bản, giảng dạy đại học cũng gần người nghề làm ngoại giao ở điểm phải tạo được các kênh giao tiếp hiệu quả. Nếu coi khả năng này là một tố chất đặc biệt thì với Cô Bình, nó còn trở nên thăng hoa hơn khi Cô luôn đặt nó trong tinh thần sư phạm, nghĩa là biết cách khơi gợi sức nghĩ và biết cách nghe, kể cả “chịu đựng”, các ý nghĩ đôi khi dở chứng của học trò!

Ít giờ giảng nào của Cô mà tôi không hồi hộp bởi những nhận định, phân tích sáng láng đến gai người và sự nghiêm khắc học thuật rất đáng noi theo của Cô. Với đám sinh viên nữ, qua giờ giảng của Cô Bình, còn được nạp thêm ít nhiều dũng khí dám sống mạnh mẽ, nổi loạn, dám cà khịa với thứ khuôn thức phận vị nữ nhi phận mỏng cánh chuồn mà xã hội trọng nam quyền thường thêu dệt để dễ bề sai khiến, thao túng. Trong một môi trường Văn khoa đa phần nền nã, ngân đúng giọng và nói đúng lời, thì đối diện một người thậm chí không quan tâm việc làm đẹp bằng những bộ cánh tân thời, phấn son sặc sỡ mà chỉ biết tập trung vào giờ giảng sao cho sắc sảo, hấp dẫn như Cô Bình thì nào ai, dù mới thoáng gặp, lại không bị ấn tượng! Vừa sợ vừa mê bài giảng của Cô, chúng tôi bắt đầu bạo gan nhờ Cô hướng dẫn khóa luận, luận văn, luận án. Với nhiều người, được Cô Bình hướng dẫn khoa học là một may mắn, bước ngoặt lớn.

Phàm là phụ nữ xứ mình, nhất là phụ nữ xuất thân làng quê miền Bắc thời chiến tranh thiếu thốn mọi bề, người ta dần quen và dần chịu đựng với hoàn cảnh tay súng tay cày. Bởi thế, nghe Cô Bình kể chuyện mình thích và cả chí học hành, vào Sư phạm, rồi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Văn lắm thân danh tên tuổi, tôi thầm phục sự kiên trì, lòng hiếu tri của Cô. Quãng thời gian Cô học, bắt đầu giảng dạy ở Sư phạm cũng là lúc cao trào Đổi mới văn chương thực sự lan tỏa vào giảng đường. Cảnh tượng “trăm nhà đua tiếng” của văn đàn khiến giới nghiên cứu trong Văn khoa đứng ngồi không yên! Thúc ước lúc ấy là phải lí giải, đón nhận, cắt nghĩa các hiện tượng đổi mới, phải nhanh chóng triển khai sự quan sát lâu dài, kĩ lưỡng tính chất đa dạng, phức tạp của đổi mới văn chương.

Cần nhấn mạnh rằng Văn khoa Sư phạm giữa thập niên 1980 là một trong số ít tiếng nói uy tín và đầy thuyết phục xoay quanh các “ca khó nhằn”, và loạt bài viết của Lã Nguyên, Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, giờ đây nhìn lại, xứng đáng là sự cổ vũ, tiếp sức nhu cầu đổi mới nhận thức, tư duy sáng tác mà văn giới đang xoay xở.

Đứng về đổi mới, đồng cảm và quan trọng hơn là hiểu được đổi mới của văn chương nghệ thuật, rõ ràng, cần nhiều phẩm chất nhưng nhất thiết phải có tri thức nghiên cứu, phê bình mới, phải có thái độ dứt khoát, dũng cảm trong lựa chọn đánh giá. Tôi nghĩ, riêng ở phương diện này, Cô Bình đã gặp may mắn vì không khí học thuật của Văn khoa Sư phạm bấy giờ hết sức cởi mở, tiên phong, và đặc biệt vì người thầy khoa học của Cô, GS Nguyễn Đăng Mạnh, mặc dù là chuyên gia văn học trước 1945, cũng nhập cuộc tích cực trong công việc tìm hiểu, đánh giá văn học Đổi mới. Khá tương đồng, cả Thầy Mạnh và Cô Bình đều chú tâm hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết đáng chú ý mà Cô Bình đồng tác giả (cùng GS Nguyễn Hải Hà) là Xung quanh “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (1989), trong khi Nguyễn Đăng Mạnh viết tiểu luận Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, vài cảm nghĩ đăng trên Tạp chí Cửa Việt (1992).

2. Cô Bình đến với con đường nghiên cứu, giảng dạy văn học đổi mới một phần vì gợi dẫn của GS Nguyễn Đăng Mạnh. Từ luận án tiến sĩ (1996), Cô Bình đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và công bố chuyên khảo Văn xuôi Việt Nam 1975-1995: Những đổi mới cơ bản (2007), thời điểm Cô đã được phong học hàm Phó Giáo sư. Mấy năm gần đây, khi văn học giai đoạn Đổi mới trở nên nóng trở lại trong nhiều tổng kết, hội thảo khoa học thì chuyên khảo của Cô càng chứng tỏ được giá trị khai mở của nó.

Được viết vào năm 1996, thời điểm cao trào Đổi mới văn học vừa rơi xuống lưng chừng trong trạng thái bề bộn, phức tạp, trong tâm thế háo hức xen lẫn tiếc nuối, Văn xuôi Việt Nam 1975-1995: Những đổi mới cơ bản mang tinh thần một tổng kết rành rẽ, kịp thời. Trọng tâm cuộc đối thoại này được PGS. TS Nguyễn Thị Bình đặt vào trường so sánh với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa: so với tính chất, đặc trưng của bộ phận văn học này, tác giả/tác phẩm nào sau 1975 trở thành mới, trở nên khác? Và nếu mới/khác thì họ biểu đạt điều này ở những điểm chính yếu nào - về quan niệm văn chương, về vai trò và sứ mệnh của nhà văn, về quan niệm và ứng xử với hiện thực? Hay, khó khăn và đòi hỏi nhiều tài năng nghệ thuật hơn, là nhắm vào quan niệm về con người? Có thể nói, quá nhiều câu hỏi hóc búa mà người nghiên cứu phải giải đáp, đặc biệt, phải phân tích, đánh giá sao cho không thiên lệch, không thổi phồng hoặc hạ thấp.

Là người quan sát, tiếp nhận văn học Đổi mới một cách trực tiếp nên trong chuyên khảo, PGS. TS Nguyễn Thị Bình không chỉ bao quát mà còn khá chi tiết trong cách tiếp cận, kiến giải và theo tôi, mô hình “đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người” trong chuyên khảo có sức thuyết phục rất cao. Bởi nếu đi sâu vào những đổi mới cốt yếu của văn xuôi sau 1975 mà bỏ qua các khám phá, các góc nhìn mới mẻ về con người thì khó nhận ra, khẳng định các tài năng, cá tính nghệ thuật độc đáo. Hơn nữa, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, cùng lúc, sẽ kéo theo đổi mới về bút pháp, thể loại. Tôi dám chắc, khi theo sát và bắt mạch nỗi trăn trở và sự tìm tòi, đột phá trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cũng đồng thời tìm thấy “gu” thẩm mĩ văn chương, cá tính khoa học của mình.

Tuy chủ yếu hướng vào văn xuôi nhưng công trình vẫn đủ sức gợi mở nhiều tìm biết quan trọng khác, về thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lí luận phê bình trong giai đoạn Đổi mới. Cho đến nay, nhiều chuyên khảo về văn học đổi mới của các tác giả khác xuất bản gần đây đều ít nhiều chịu ảnh hưởng, trích dẫn Văn xuôi Việt Nam 1975-1995: Những đổi mới cơ bản của PGS. TS Nguyễn Thị Bình. Cô cũng là người quan tâm, nghiên cứu các hiện tượng đổi mới bút pháp, thể loại tiểu thuyết Việt Nam đương đại, về thơ Chế Lan Viên, về văn học đô thị miền Nam, văn học của người Việt Nam ở nước ngoài…

Với chúng tôi, lứa sinh viên quãng đầu những năm 2000 thì phải đến khi học Cô Bình mới bắt đầu biết thêm những sinh động, phức tạp của văn học Việt Nam đương đại, mới vỡ vạc dần rằng không phải mọi tên tuổi văn chương được giáo khoa, giáo trình hóa đã là điểm kết thúc hoàn bị. Bởi thế, tôi nghĩ, sức ảnh hưởng tri thức văn chương của Cô Bình không chỉ là các bài viết, các giờ giảng, mà còn là các gợi ý, định hướng cho chúng tôi nên tìm đến và khám phá thêm điều gì. Sẽ thật thiệt thòi nếu sinh viên Văn khoa Sư phạm giờ đây không còn được học chuyên đề văn học sau 1975 của Cô Bình mà chúng tôi từng truyền tai nhau rằng hãy tham gia ngay thay vì cứ bị nhàn nhạt mãi!

3. Nhưng cuộc đời, có lẽ, lúc nào cũng chọn ai đó để trêu ngươi, để ban cho một món quà số phận nhiều thua thiệt. Cô Bình cũng thế. Sau sự kiện “luận văn Nhã Thuyên”, Cô Bình bị dừng hẳn công việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Sự kiện thì đã thuộc về lịch sử, và nói như tiền nhân rằng xét cho cùng thì “Tái Ông thất mã”, song nhiều đồng nghiệp, học trò của Cô vẫn cứ canh cánh tiếc nuối. Mỗi lần nhắc chuyện, Cô và chúng tôi đều cười xòa, đều bỏ qua những điều khó tưởng tượng nổi bằng thái độ cảm thông, thể tất và hài hước. Hài hước và dám giễu điều bất như ý ở đời âu cũng là một cách thế sống trẻ trung, hiện đại. Mà Cô Bình thì vẫn hiện đại, lặng lẽ hiện đại trong những không gian nhỏ bé đời thường nào đó, trong cái nhìn cũng lặng lẽ từ xa của tôi, đứa học trò bật các khúc Nocturne dành tặng Cô khi viết những dòng này…