Trước đây, đã có nhiều đơn vị đưa học sinh tới rừng theo hình thức du lịch hoặc phổ biến hơn là giáo dục môi trường. Nhưng Trần Anh Tuấn muốn đưa “trải nghiệm thiên nhiên thật sự” đến với học sinh.

Vào một ngày đông lạnh giữa núi rừng Cúc Phương, tôi vô tình bắt gặp một chàng trai đang chia sẻ say sưa về các loài sinh vật. Ấn tượng ban đầu về một chàng trai vững chãi, giọng nói thoảng chất Nghệ, khuôn mặt sáng, cùng những câu chuyện lôi cuốn về động vật hoang dã, về cây rừng đã thôi thúc tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Tuấn.

Trong thời gian chờ Tuấn trở lại cổng rừng, tôi được nghe một số anh chị kiểm lâm đang công tác tại đây nói về Tuấn như một người hiểu biết, yêu rừng, yêu trẻ. “Cứ hễ thấy cái bóng to lớn, mặc áo rằn ri bay phấp phới, nói rang rảng về rừng, ắt là sẽ gặp Tuấn Béo đang chia sẻ với đoàn từ Hà Nội xuống!”

Tới trưa, gặp Tuấn đang đi về cùng một tốp học sinh và phụ huynh, tôi đã kịp trò chuyện nhanh với Tuấn, trước khi anh tiếp tục dẫn đoàn vào sâu trong lõi rừng.

Với những câu hỏi cơ bản, tôi có thể hình dung rõ hơn về hành trình Tuấn đang theo đuổi. Từ năm 2015, Tuấn bắt đầu chia sẻ định hướng của mình với các bạn trẻ yêu khoa học, yêu rừng khác để tìm đồng đội và tiếp theo là thuyết phục các bậc phụ huynh đồng ý cho con em của họ ra ngoài, khám phá thực tế trong khu rừng.

Cũng từ đó, chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên (Nature Expedition) được thành lập, quy tụ nhiều trí thức trẻ đam mê, nhiệt huyết, hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận, với mong muốn đưa các bạn nhỏ “chạm” tới khu rừng bằng tất cả các giác quan.

Trần Anh Tuấn đồng hành cùng các em nhỏ trong hành trình khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: NVCC


Trần Anh Tuấn tốt nghiệp thạc sĩ ngành Sinh học, chuyên ngành Sinh thái học, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia hà Nội. Anh chủ yếu tập trung nghiên cứu về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, mối quan hệ của môi trường với sinh vật, tác động của con người lên các hệ sinh thái…

Trong chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên, Tuấn cùng các cộng sự tìm cách chuyển tải các khối kiến thức hàn lâm thành các khối kiến thức thường thức, gần gũi, dễ tiếp cận đối với cộng đồng. Toàn bộ nội dung kiến thức sẽ được các bạn nhỏ khám phá dần theo chủ điểm - ở Bách Thảo là chủ điểm Khoảng xanh giữa thủ đô, ở Cúc Phương là Khu rừng cấm đầu tiên, ở Cát Bà là Nơi hội ngộ của rừng và biển, hay ở Xuân Sơn là Hòn ngọc giữa đại ngàn…- và qua các hoạt động/trò chơi như mật thư, vận động, truy tìm, khám phá... Đặc biệt, những kiến thức bản địa - những câu chuyện về thiên nhiên được người dân địa phương truyền lại từ bao đời, những thay đổi qua thời gian của khu rừng mà họ nhận thấy, hay những phong tục và tập quán của vùng đất – luôn được chương trình chú trọng giới thiệu với các em.


Tuấn kể, có những bạn nhỏ yêu quý động vật đến mức “muốn mang về nhà chăm sóc”. “Lúc đó, tôi phải giúp bạn nhỏ thấy rằng mang một sinh vật từ rừng ra không khác gì việc mang chính bạn nhỏ đó rời khỏi tổ ấm gia đình, xa rời vòng tay của bố mẹ, bạn nhỏ đó sẽ tự hiểu và tự điều chỉnh mong muốn của mình. Yêu rừng, yêu động vật tốt nhất vẫn nên là ngắm nhìn tất cả bằng đôi mắt – chiếc camera chân thực của chúng ta, và cảm nhận bằng mọi giác quan rồi cố gắng rời đi mà để lại ít tác động nhất tới khu rừng, đấy mới là trải nghiệm thiên nhiên thật sự.”

Ngược lại, cũng có những học sinh không hào hứng với việc trải nghiệm thiên nhiên ngay từ đầu. Vì vậy, Tuấn và các cộng sự cần có thời gian quan sát từng bạn thông qua một vài hoạt động, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp để gắn kết bạn nhỏ với thiên nhiên và dần dần thúc đẩy mối quan tâm của bạn nhỏ trong từng hành trình tiếp theo.

“Đấy cũng là lý do mà Trải nghiệm Thiên nhiên chia học sinh thành những tốp 7-10 bạn,” Tuấn giải thích. Bên cạnh đó, Tuấn chỉ tổ chức theo đoàn, có sự đồng hành của phụ huynh và cần các đoàn cam kết trong việc tổ chức đều đặn để duy trì tần suất kết nối trẻ với thiên nhiên. Phụ huynh được phép tham dự chương trình, đi theo lộ trình của các con, nhưng sẽ luôn giữ khoảng cách tối thiểu 100m, để giữ được sự tự lập trong thiên nhiên của các con. Tất nhiên phụ huynh cũng có chương trình riêng để trải nghiệm và khám phá thiên nhiên.

Các em nhỏ tập quan sát và ghi chép trong chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên. Ảnh: NVCC

Trước đây đã có nhiều đơn vị đưa học sinh đến với rừng theo hình thức du lịch hoặc phổ biến hơn là giáo dục môi trường. Điểm khác biệt của chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên là nó được triển khai bài bản, tùy biến nội dung theo độ tuổi. Các đoàn có tần suất lặp lại, duy trì để thay đổi nhận thức và hành động: chương trình thường bắt đầu với thời gian nửa buổi, rồi tăng dần lên 1 ngày, 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm, cuối cùng là 5 ngày 4 đêm. Nội dung trải nghiệm cũng được tăng cấp, chẳng hạn, sẽ bắt đầu từ Vườn Bách thảo Hà Nội tới Vườn quốc gia Ba Vì, sau đó xa hơn tới Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Vườn quốc gia Tam Đảo… Trong khoảng 3 năm, một đoàn có thể đi khoảng 10 chuyến. Kết thúc hành trình, các bạn nhỏ sẽ có khả năng tự lập, tự tin trong thiên nhiên, có kỹ năng làm việc nhóm, “nhưng tuyệt nhất là có trách nhiệm, thái độ, hành vi đúng đắn với động vật hoang dã, thiên nhiên, môi trường và đặc biệt là giữa con người với con người”, Tuấn nói.

Sau gần 7 năm, chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên của Tuấn đã đi vào guồng, được tổ chức liên tục hằng tuần, thậm chí có những tháng cao điểm là hằng ngày. Nhưng Tuấn cho biết anh và các cộng sự “vẫn mong muốn làm được nhiều hơn nữa, góp một phần sức lực nhỏ bé để gắn kết cộng đồng với thiên nhiên, đồng hành cùng các bạn nhỏ trong hành trình lớn lên qua trải nghiệm thiên nhiên”.

“Hiện tại các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên đã có ở hầu hết các địa phương trên khắp cả nước với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi hạnh phúc vì mỗi ngày lại có thêm nhiều bạn nhỏ được đến gần thiên nhiên,” Tuấn sôi nổi nói. “Còn chúng tôi, ngoài các chuyến đi khám phá rừng, vẫn đều đặn hằng tuần tới các đơn vị, tổ chức để tập huấn, nâng cao năng lực và chuyển giao các hoạt động với mong ước mỗi gia đình, mỗi nhà trường khi đến bất cứ khu rừng, vùng biển nào của nước ta đều gặp được các nhóm, các đơn vị triển khai hoạt động trải nghiệm thiên nhiên chất lượng và bổ ích ngay tại đó!”


abc
Một trong những khoảnh khắc may mắn khi bắt gặp đàn bò tót tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai sau khi kết thúc hành trình khám phá rừng cùng Trải nghiệm Thiên nhiên. Ảnh Trần Anh Tuấn
Có những khu rừng đẹp kiểu hoang sơ, cổ kính. Có những khu rừng đẹp kiểu bao la, bát ngát. Có những khu rừng đẹp kiểu kỳ dị, thú vị. Có những khu rừng lại âm ỉ vượt qua 6 tháng với những đám cháy và dành 6 tháng cùng những cơn mưa để phát triển không ngừng. Có những khu rừng lại mưa ròng rã quanh năm… Ở đó, tôi có thể đứng hình khi bắt gặp một bạn hổ mang chỉ nặng vài kí lô bò ngang và sung sướng tột độ khi gặp đàn bò tót cả mấy chục con, mỗi con 1 – 2 tấn băng qua các trảng rừng. Tôi có thể đau lòng khi nghe kể về những cá thể động vật hoang dã bị thương do bẫy thú trong rừng được cứu hộ về các trung tâm chăm sóc và hạnh phúc vô cùng khi nhìn thấy từng cá thể được phục hồi toàn diện và trao trả lại về với rừng xanh. Tôi có thể chạnh lòng khi nhìn thấy những cây cổ thụ trong rừng già vì quy luật của thời gian mà ngã xuống nhưng tin tưởng rằng đấy sẽ là khởi đầu mới cho các loài sinh vật khác vượt lên sống động hơn trong tương lai! Để những cảm xúc đó không ngưng lại, tôi chọn cách đi vào rừng mỗi ngày, cùng các bạn học sinh, anh chị phụ huynh chiêm ngưỡng thiên nhiên!

Trần Anh Tuấn – nhà sáng lập và giám đốc chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên