Klaus Fuchs chạy trốn Đức quốc Xã và trở thành một trong những nhà vật lý hàng đầu ở Vương quốc Anh. Tham gia "Dự án Manhattan", để phát triển bom nguyên tử trong Thế chiến II, nhưng ông cũng đã chuyển thông tin quan trọng cho Liên Xô.

Klaus Fuchs biết điều gì sắp xảy ra với mình khi chuông cửa reo, hôm đó là ngày 3/2/1950. Nhà vật lý hạt nhân có quốc tịch Anh từ lâu đã bị nghi ngờ làm gián điệp cho Liên Xô. Bây giờ lớp vỏ ngụy trang của ông cuối cùng đã bị bóc trần và Fuchs cũng đã thừa nhận việc ông đã làm. Ông bị bắt và đưa ra xét xử. Thẩm phán mô tả ông là "kẻ nguy hiểm nhất nước Anh". Nhưng với người đoạt giải Nobel Hans Bethe thì Fuchs là "nhà vật lý duy nhất đã thay đổi thế giới".

Cả hai nhân vật này đều có lý do chính đáng: Fuchs được coi là một trong những nhà vật lý xuất sắc nhất trong thời đại của ông. Ông làm việc trong "Dự án Manhattan", một dự án nghiên cứu quân sự khét tiếng, phát triển bom nguyên tử. Qua đó ông có những thông tin tuyệt mật có thể đóng một vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh. Fuchs đã chuyển một số thông tin này cho Liên Xô, vì việc làm này ông bị lĩnh án tù trong một thời gian dài.

Klaus Fuchs sau khi ra tù năm 1959.

Nhà vật lý hạt nhân là một người cộng sản

Klaus Fuchs sinh ra ở Đức năm 1911 tại Rüsselsheim bên sông Main. Ông tham gia hoạt động chính trị, là đảng viên cộng sản Đức (KPD), bị đàn áp sau khi Hitler lên nắm quyền và trốn sang Paris. Sau đó, ông chuyển đến Vương quốc Anh để tiếp tục và hoàn thành nghiên cứu về vật lý và toán học của mình. Tài năng của ông thể hiện qua việc Fuchs làm tiến sĩ hai lần: đầu tiên ông viết luận án tiến sĩ về toán học, sau đó là về vật lý.

Năm 1942 Fuchs trở thành công dân Anh. Ở quê hương mới, giữa thế chiến thứ hai, từ lâu người ta đã nhận thấy kiến ​​thức của nhà khoa học cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Fuchs trở thành một phần của chương trình hạt nhân Anh-Canada "Tube Alloys" ở Birmingham. Ít lâu sau ông được thăng chức trong "Dự án Manhattan". Các nhà khoa học ở đó, dẫn đầu là nhà vật lý J. Robert Oppenheimer, nghiên cứu việc sử dụng phản ứng phân hạch hạt nhân cho mục đích quân sự.

Klaus Fuchs, đeo kính, tại một hội nghị khoa học ở Edinburgh năm 1950. Ảnh: Gamma-keystone /getty images

Nhưng sau đó, Klaus Fuchs đã hoài nghi về công việc của mình và những tác động có thể có của nó đối với thế giới. Nhận thấy sức tàn phá khôn lường của một quả bom nguyên tử, ông lo sợ loại vũ khí này có thể rơi vào tay Đức quốc Xã, một chế độ mà ông đã phải chạy trốn. Fuchs theo chủ nghĩa cộng sản, ông nhận thấy Liên Xô không nhận được đủ sự hỗ trợ từ người Anh và người Mỹ sau cuộc tấn công của quân đội Đức. Sau đó, ông cho rằng: “Kiến thức về nghiên cứu hạt nhân không nên là tài sản riêng của một quốc gia, mà nên được chia sẻ với phần còn lại của thế giới vì lợi ích của nhân loại”. Với quan niệm đó Fuchs trở thành gián điệp với mật danh "Rest".

Trong thời gian làm việc tại "Tube Alloys", ông đã chuyển thông tin cho Liên Xô và chia sẻ kiến ​​thức của mình về tiến trình nghiên cứu với cơ quan tình báo quân sự GRU. Fuchs có vai trò quan trọng trong việc phát triển bom plutonium "Fat Man" và thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên. Thông tin của ông giúp Liên Xô dưới thời Stalin thiết lập chương trình hạt nhân của mình. Năm 1945 Mỹ lần đầu tiên sử dụng bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến thứ hai, năm 1949 Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Từ đó tạo ra sự cân bằng quyền lực trên thế giới.

Fuchs, khi đó đã trở về Vương quốc Anh, ông bị lộ vào năm 1950, như chúng ta nay đã biết, bởi các tin nhắn được mã hóa từ Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, mà người Anh sau này mới giải mã được. Nhà vật lý bị bắt và đưa ra xét xử. Ông may mắn đã được xét xử ở tòa án Anh quốc. Ở Hoa Kỳ, ông có nguy cơ bị tuyên án tử hình. Về mặt chính thức, ông chỉ phạm tội tiết lộ bí mật cho một quốc gia thân thiện, bởi vì vào thời điểm đó, Vương quốc Anh và Liên Xô vẫn là đồng minh. Fuchs thú nhận: “Tôi ý thức về hành vi sau trái của mình mà người ta không thể bỏ qua,” ông thừa nhận đã làm việc này. Ông bị kết án 14 năm tù.

Fuchs chấp hành án được chín năm thì được phép tại ngoại, tiếp tục bị quản chế, sau đó ông đến CHDC Đức. Ở đó, kẻ bị phương Tây kết án là gián điệp đã được chào đón nồng nhiệt, nhận chức giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Dresden, có địa vị cao tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Trung ương, và được trao một số giải thưởng.

Ngày 28/1/1988, Klaus Fuchs qua đời ở Đông Berlin, hưởng thọ 76 tuổi. Di sản của ông vẫn còn gây tranh cãi. Ông là một kẻ phản bội hay một người hùng? Những người bảo vệ ông cho rằng, Fuchs đã hành động theo lương tâm của mình và đã sớm nhận ra rằng cần phải có một sự cân bằng trong vấn đề hạt nhân. Cái sự "Cân bằng tàn ác" này được coi là một trong những lý do quan trọng nhất khiến Chiến tranh Lạnh không bao giờ có thể leo thang đến nấc cuối cùng.

Nguồn Eugen Epp