“Một đất nước muốn phát triển không thể chỉ dựa vào lợi thế của nhân công giá rẻ mà cần xây dựng chiến lược trọng tâm về những ngành mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Chúng ta cần đầu tư công nghệ để có thể phát triển, cạnh tranh bền vững”.

Đây là phát biểu của Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, với mong muốn được gỡ khó để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam phải trở thành “bếp ăn của thế giới”

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi, sản xuất thuốc thú y, thực phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi..., ông Phạm Văn Sơn - ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMG - dẫn một thực tế mà ngành chăn nuôi đang đối mặt, đó là tình trạng mất cân đối cung - cầu. Cụ thể, nhiều hộ chăn nuôi lợn lỗ vốn quá nhiều do không tiêu thụ được sản phẩm, không còn khả năng trả nợ, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử vì cùng đường.

Ngoài việc đề xuất các hỗ trợ giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Sơn kiến nghị một số giải pháp để tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trong tương lai: “Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi, tiến đến xuất khẩu thực phẩm. Đồng thời, cần huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm ăn nhanh giống như KFC, dămbông, ruốc, xúcxích... đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp.

Sản xuất tại Công ty gốm sứ Minh Long. Ảnh: Nhung Trần

Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì gần 70% dân số làm nông nghiệp. Có thể xây dựng Việt Nam trở thành "bếp ăn của thế giới", điểm đến của khách du lịch quốc tế và hấp dẫn các nhà đầu tư”.

Liên quan đến ý tưởng trở thành “bếp ăn của thế giới”, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH - cho rằng Việt Nam phải ban hành ngay các tiêu chuẩn về sản phẩm sữa để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo đạo đức trong kinh doanh, có trách nhiệm với xã hội, trong đó có các tiêu chuẩn về sữa dạng lỏng: “Ở các nước tiên tiến, người ta chỉ dùng sữa bột và sữa tươi, nhưng ở Việt Nam lại lạm dụng sữa tiệt trùng. Tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ để bảo đảm an toàn thực phẩm, còn sữa lỏng cần được phân loại là sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại, sữa hỗn hợp. Bộ Y tế đã lấy ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp và cộng đồng, nhưng đến nay vẫn chưa ra được tiêu chuẩn sữa lỏng, không hiểu vướng mắc từ đâu?”.

Bà Hương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để ban hành ngay các tiêu chuẩn về sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm sữa, vì nó không chỉ liên quan đến sức khỏe con trẻ mà còn vì sức khỏe của tất cả mọi người.

Bộ KH&CN song hành với doanh nghiệp

Theo ông Phạm Hồng Hải, trước đây Việt Nam được nhìn nhận là một công xưởng gia công với những dự án nhỏ, sử dụng nhân công giá rẻ. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với các dự án lớn, những hợp đồng hàng tỷ USD, sản xuất hàng hóa có giá trị cao. Làn sóng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng này, không thể chỉ dựa vào thế mạnh nhân công giá rẻ mà phải có chiến lược trọng tâm về những ngành mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, phải đầu tư công nghệ để phát triển, cạnh tranh bền vững.

“Chính phủ cần có những quyết sách để doanh nghiệp Việt thật sự cải cách, nâng cao giá trị cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), tích cực tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI” - ông Hải nói.

Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn và công nghệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN có 3 mặt trận song hành với doanh nghiệp gồm: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (liên quan đến toàn bộ chất lượng sản phẩm hàng hóa để cạnh tranh); sở hữu trí tuệ và công nghệ.

Bộ trưởng khẳng định tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nghĩa là Nhà nước, Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Với tinh thần đó, ngành KH&CN đã chuyển động theo hướng quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về thể chế, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa về cơ bản đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Riêng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ ba. “Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.