Tại phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ - sửa đổi tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, cơ bản các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định: Luật tạo thuận lợi cho hoạt động CGCN

Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN - sửa đổi) lần này đã hoàn thiện hơn nhiều so với dự thảo trình trong kỳ họp trước. Vì vậy, về cơ bản tôi đồng ý với kết cấu và nội dung dự thảo. Dự thảo có nhiều nội dung mới, tập trung vào hướng thay đổi cơ chế, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và CGCN, đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển.

Tôi đồng tình với quy định các hợp đồng CGCN phải đăng ký để cơ quan quản lý nhà nước nắm được thực trạng CGCN, đặc biệt là từ nước ngoài vào. Thực tế tại địa phương, cơ quan quản lý về KH&CN hầu như không nắm được các luồng CGCN, do vậy không có số liệu đầy đủ để đánh giá.

Về chế độ báo cáo hợp đồng CGCN, Luật CGCN năm 2006 có quy định, nhưng dự thảo mới không thấy quy định. Đây là nội dung cần đưa vào vì nếu không có chế độ báo cáo thì không biết được hằng năm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp nhận công nghệ và triển khai như thế nào, có đúng với nội dung đã đăng ký hay không?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo làm rõ một số vấn đề tại phiên họp. Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Lê Minh Thông - Thanh Hóa: Phải thẩm định công nghệ được chuyển giao

Tôi thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật CGCN. Đến nay dự thảo đã sửa đổi một cách căn bản, tiến bộ hơn nhiều với luật năm 2006 và đã hoàn thành cơ bản các nội dung theo yêu cầu của luật.

Tôi cũng xin góp ý thêm, tại điều 14, khoản 2 có ghi, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, việc thẩm định công nghệ là bắt buộc với những dự án đầu tư: Sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Trong dự án Luật CGCN (sửa đổi), các điều 10, 11, 12 quy định rõ 3 nhóm công nghệ gồm khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao. Trong đó, dự án có công nghệ khuyến khích chuyển giao không phải xem xét thẩm định nhưng phải cho ý kiến về công nghệ. Công nghệ đã cấm chuyển giao thì không cần thẩm định, còn công nghệ hạn chế chuyển giao nhất thiết phải được thẩm định.

Do vậy, danh mục các nhóm b thực chất là nhóm công nghệ hạn chế chuyển giao nên không phải đưa vào. Điểm b, khoản 2, điều 14, đề nghị Bộ KH&CN tham mưu cho Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các nhóm công nghệ nêu trên để dễ tra cứu sau này. Điều 10, 11, 12 chỉ quy định đến nhóm công nghệ, chưa quy định chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Bến Tre: Cần quan tâm hơn việc hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp

Về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại điều 37, tôi thống nhất cao với dự thảo luật là chú trọng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm thêm đến việc hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp vì những nghiên cứu này thường có tính thực tiễn và ứng dụng cao.

Do đó, cơ quan soạn thảo Luật CGCN (sửa đổi) cần nghiên cứu cải cách thủ tục thành lập, sử dụng, quyết toán thuế đối với các nguồn trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp tại điều 36.

Tại điều 35 về các biện pháp áp dụng khi xảy ra vi phạm hợp đồng CGCN, cần bổ sung tham chiếu thêm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Ngoại thương và các luật có liên quan cho tương thích với khoản 3, điều 22.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đắk Nông: Cần đăng ký các nội dung CGCN

Việc đăng ký hợp đồng CGCN là một nội dung mới so luật hiện hành, sẽ giúp khắc phục một số thiếu sót hiện nay. Mục đích của việc đăng ký hợp đồng là để kiểm soát về công nghệ được chuyển giao để khắc phục tình trạng biến Việt Nam thành nơi chứa công nghệ lạc hậu, hạn chế CGCN cũ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi thấy cần bổ sung điều 31 của dự thảo luật. Ví dụ, nếu việc đăng ký CGCN được thẩm định trên cơ sở hợp đồng thì làm sao chúng ta biết trình độ công nghệ chuyển giao như thế nào để cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao hay từ chối cấp. Hơn nữa, việc xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bên trong trường hợp phát hiện công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường khi đăng ký hợp đồng cũng cần được làm rõ trong luật. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước từ chối cấp đăng ký khi hai bên đã giao kết hợp đồng thì việc xử lý hậu quả của hợp đồng CGCN như thế nào cũng cần được tính đến.