Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Một mô hình được HEINEKEN giới thiệu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019. (Nguồn: báo cáo tại Hội nghị của HEINEKEN)
Một mô hình được HEINEKEN giới thiệu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019. (Nguồn: báo cáo tại Hội nghị của HEINEKEN)

Mặc dù gần đây, khái niệm này được thường xuyên đề cập với nhiều lợi ích ưu việt cho doanh nghiệp như giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội phát triển bền vững, nhưng việc ứng dụng trong nước còn chưa phổ biến.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 nhận định rằng “Việt Nam hiện chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên những mầm mống hình thành và một số mô hình gần như thế đã xuất hiện từ sớm trong một số ngành.” Điển hình như nông nghiệp đã có mô hình vườn ao chuồng, chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân ủ khí Biogas, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa để dùng bón phân hoặc sản xuất nấm rơm.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cũng có những làng nghề truyền thống tái chế sắt thép, giấy, đồ nhựa, thủy tinh. Khu công nghiệp sinh thái đã được xây dựng ở Hải Phòng, Ninh Bình. Một số doanh nghiệp đã cải tiến công đoạn để tiết kiệm năng lượng và thu hồi chất thải, ví dụ Công ty Sàng tuyển than Cửa Ông thu hồi, lọc nước rửa than để tái sử dụng; Công ty Thuốc lá Thăng long bán cuộng thuốc lá cho nông hộ làm phân bón; Công ty bia Hà Nội sử dụng lại chai theo hình thức đặt cọc.

Trong ngành dịch vụ, xuất hiện công ty cung cấp dịch vụ xử lý rác thải theo công nghệ mới như đốt rác phát điện ở TP.HCM, ủ rác thu hồi khí metan phát điện ở Hà Nội; các nhà hàng đã có hoạt động thu gom chất thải thức ăn dư thừa để bán lại cho cơ sở chăn nuôi hoặc chế biến phân bón hữu cơ.

Các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang tích cực đi đầu trong việc đưa ra những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn ở quy mô lớn. Từ năm 2015, chương trình Việt Nam Tái chế (Vietnam Recycles) của liên minh các nhà sản xuất thiết bị điện-điện tử đã thu gom các thiết bị qua sử dụng ở hai thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh. Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Vietnam PRO) thành lập giữa tháng 6/2019 đã cam kết đến năm 2030 thu hồi toàn bộ bao bì của các cty thành viên. Công ty Heineken Việt Nam – đơn vị hai năm liên tiếp được vinh danh là Doanh nghiệp bền vững nhất tại Việt Nam (lĩnh vực sản xuất), công bố gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế trong quá trình sản xuất bia, trong đó 4 nhà máy sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon.

Phần lớn các mô hình vẫn dừng lại ở tư duy “tận dụng” – nghĩa là tái sử dụng, tái chế chất thải sẵn có để mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường ISPONRE, nhận định gần đây đã có tín hiệu cho thấy sự chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn ở một số doanh nghiệp, từ khâu thiết kế sản phẩm đã tính đến thiết kế chất thải để khi thải bỏ dễ dàng được áp dụng vào những quy trình sản xuất khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý khép vòng kinh tế tuần hoàn cho hiệu quả. Đôi khi chính hoạt động tuần hoàn ở khâu này lại gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường ở những khâu khác nếu không có công nghệ và sự quản lý thích hợp, điển hình như hoạt động xả thải ở các làng nghề tái chế thủ công hiện nay. Nhìn chung, kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm mới đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này khiến doanh nghiệp bị lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên khai thác mới, dẫn tới không chỉ khiến họ gặp rủi ro vì khan hiếm nguyên liệu và biến động giá cả tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến các mục tiêu bền vững chung của quốc gia.