Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phát triển thành mạng lưới rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố, bao phủ các cấp độ từ Trung ương đến địa phương với các tổ chức liên hiệp hội trực thuộc.

MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức Hội thảo phản biện các dự án lấn sông Hàn. Nguồn: Báo Văn hóa.
MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức Hội thảo phản biện các dự án lấn sông Hàn. Nguồn: Báo Văn hóa.

Mặc dù vậy, VUSTA vẫn chủ yếu tập trung vào “chiều rộng” – phát triển số lượng hội viên, hơn là “chiều sâu” - tập trung vào phản biện, góp ý cho các vấn đề xã hội đang được quan tâm.

Những ý kiến góp ý thẳng thắn và không ngại “va chạm” về tình hình phát triển của VUSTA đó đã được nêu một cách trực diện tại Diễn đàn “Vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam trong sự phát triển đất nước” ngày 8/11.

Chỉ 1/3 hoạt động có hiệu quả…

Nhìn tổng quát, không có nhiều tổ chức ở Việt Nam có lợi thế như VUSTA: có tổng số trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (tăng 1,4 triệu trí thức so với 10 năm trước), có mạng lưới từ Trung ương tới địa phương với hệ thống 63 Liên hiệp hội địa phương, 86 Hội chuyên ngành cùng hơn 500 tổ chức KH&CN trực thuộc. Đây là lợi thế mà VUSTA có được sau 34 năm gây dựng. Tuy nhiên, “để xã hội đặt niềm tin vào VUSTA” như mong mỏi của TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch VUSTA, thì các thành viên của VUSTA cần phải thảo luận, đánh giá lại về vai trò, hoạt động của hội, qua đó rút ra những nguyên nhân khiến hoạt động này chưa hiệu quả.

Không chỉ là suy nghĩ của riêng ban lãnh đạo VUSTA mà còn của nhiều hội viên, đặc biệt là những người có nhiều năm hoạt động dưới mái nhà VUSTA như kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng. Ông nhìn nhận một cách khách quan và thẳng thắn về tình trạng “đông nhưng chưa mạnh”, cũng như vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động như tỉ lệ hiệp hội hoạt động có hiệu quả còn quá ít ỏi, ví dụ chỉ có 30% đến 40% số hiệp hội của VUSTA hoạt động hiệu quả, còn lại là “tê liệt”, ngay cả với Tổng hội trong lĩnh vực của ông cũng xấp xỉ con số này. Biểu hiện dễ thấy nhất của tình trạng này là phần nhiều các đơn vị đang hoạt động theo dạng “ba không: không kinh phí, không trụ sở, không biên chế”.

Có lẽ, chính vì tình trạng hoạt động cầm chừng như vậy mà các đơn vị trực thuộc VUSTA và bản thân VUSTA chưa làm tốt được chức năng quan trọng của mình, đó là tư vấn chính sách và hoạt động nghiên cứu, phổ biến khoa học công nghệ. Ông Trần Ngọc Hùng cũng chỉ ra, mặc dù có một số đơn vị trực thuộc VUSTA có hoạt động tư vấn phản biện hiệu quả nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Người ta có cảm giác như VUSTA không “mặn mà” với các vấn đề quốc kế dân sinh hay những vấn đề quan trọng của đất nước như “quản lý sử dụng đất đai, tình trạng thất thoát lãng phí trong các dự án sử dụng vốn nhà nước…, các vấn đề bức xúc trong dư luận như ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm…”, do đó VUSTA chưa lên tiếng tư vấn các giải pháp xử lý kịp thời hoặc kết nối các chuyên gia trong từng lĩnh vực để có thể “hiến kế” cho chính quyền.

Mặt khác, hoạt động khoa học công nghệ, phổ biến kiến thức “mới được triển khai manh mún, nhỏ lẻ, không có những đề tài lớn mang tính trọng điểm”, trong đó còn có những đề tài phục vụ lợi ích nhóm mà không mang lại hiệu quả kinh tế xã hội do đó phải “xếp vào ngăn kéo tủ”. Các đại biểu khác trong Diễn đàn cũng chỉ ra những ví dụ đơn cử như vừa qua VUSTA vắng bóng không tham gia đóng góp ý kiến cho Chiến lược thu hút nhân tài tới năm 2025, hoặc vụ việc bạt núi san đồi ở địa đầu Lũng Cú để xây khu du lịch tâm linh lại chỉ có tiếng nói góp ý của báo chí chứ VUSTA không lên tiếng.

Có thể trở thành một think tank?

Trong khi có một số đại biểu như đại diện liên hiệp hội địa phương của tỉnh Phú Thọ hay TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA, lo lắng về tình trạng tới đây mà VUSTA phải đối mặt, đó là khả năng bị cắt giảm nguồn ngân sách Nhà nước cấp cũng như giảm nhân sự, gộp các hội thành viên lại… Nếu trường hợp đó xảy ra, nhiều cơ sở có rơi vào tình trạng “tự tiêu diệt” không? Mặc dù cho rằng “không nên lo, liên hiệp hội sẽ không chết được đâu” nhưng giáo sư Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó chủ tịch VUSTA vẫn trầm ngâm đưa ra vấn đề là “sống làm sao” trong bối cảnh mới để có thể “tự mình sống được, sống khỏe lên thì mới nhận được sự quan tâm” và cho xã hội thấy sự cần thiết của VUSTA.

Để làm được điều đó, không có cách nào khác ngoài việc chính VUSTA phải khẳng định được vai trò tư vấn chính sách, phản biện xã hội cũng như thực hiện các dịch vụ công. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không dễ bởi theo ông Trần Ngọc Hùng và nhiều đại biểu khác chỉ ra là tình trạng VUSTA chỉ có thể phản biện được “một nửa”, nghĩa là theo các quy định hiện nay như trong Chỉ thị số 42 năm 2010 của Bộ Chính trị, Nghị định số 45 của Chính phủ năm 2010 thì nhiệm vụ của VUSTA là tư vấn, phản biện nhưng có thực tế là vai trò của VUSTA bị xem nhẹ bởi các dự án kinh tế xã hội thường “thích thì mời, không thích thì thôi”. Ông Trần Ngọc Hùng đưa ra một dẫn chứng “có lần tôi được mời lên Hòa Bình phản biện một dự án, nhưng nói thẳng thắn quá thì lần sau họ không mời nữa”.

Trên những thực tế đó, ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, VUSTA cần thực thi một số giải pháp để củng cố năng lực của mình như đổi mới việc tập hợp các nhà khoa học giỏi trong công tác Hội, tập hợp các chuyên gia theo các khối ngành, lĩnh vực; không tiếp tục để hoạt động tư vấn phản biện chỉ được thực hiện theo yêu cầu, theo “đặt hàng” của các cơ quan Chính phủ. Nếu chỉ “phản biện theo đơn đặt hàng”, thì “chúng ta chưa thể hiện được sức mạnh của đội ngũ trí thức”, [bởi vì] “tham mưu có tính chất xã hội, cần gì phải đợi đặt hàng? Thấy chỗ nào có vấn đề thì cứ làm”, GS Nguyễn Hữu Tăng nói.

Đây chính là giải pháp căn cơ cho VUSTA phát triển về chất và nó cũng sẽ giúp khắc phục được tình trạng mà VUSTA đang phải đối diện là “đông nhưng không mạnh”, nhiều người chỉ đánh trống ghi tên tham gia chứ không hoạt động, GS Nguyễn Hữu Tăng nhận xét. “Xã hội có rất nhiều vấn đề cần tham mưu, mà Liên hiệp hội cần tập trung vào những vấn đề lớn. Nếu VUSTA làm tốt thì những trí thức lớn sẽ tham gia vào VUSTA, còn nếu cứ làng nhàng thì họ sẽ không tìm đến”, ông nói.

Làm tốt những điều đó sẽ khiến cho VUSTA trở thành think tank dân sự thực sự, theo GS Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông cũng mong mỏi những ý kiến phản biện xác đáng từ VUSTA cũng cần được lắng nghe, nhà nước phải chấp nhận những tiếng nói khác biệt của trí thức.