Tuần trước, Trung Quốc bất ngờ cam kết đưa lượng phát thải ròng carbon xuống 0 trong vòng 40 năm tới.

Thông điệp đáng khích lệ

"Chúng tôi đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon trước năm 2060," Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong một video vào ngày 22/9.

Thông báo trên được đánh giá là rất quan trọng và đáng khích lệ, đồng thời có tác dụng tăng áp lực đối với các quốc gia phát thải lớn khác, buộc họ đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn. Nó cũng "cô lập hơn nữa chính quyền Trump trong tình trạng cận thị về khí hậu" như Vance Wagner ở Quỹ Năng lượng Trung Quốc đã viết trong một bài báo được đăng trực tuyến bởi tổ chức phi lợi nhuận China Dialogue.

Trung Quốc đang là nước phát thải carbon dioxide (CO2) lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng khí thải toàn cầu. Trước đây, Trung Quốc từng cho biết lượng khí thải CO2 của họ sẽ đạt đỉnh vào "khoảng" năm 2030, một mục tiêu mà hầu hết các nhà phân tích đều cho là trong tầm với. Tuy nhiên, việc đạt được trung hòa carbon trước năm 2060 sẽ đòi hỏi phải giảm mạnh sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất điện, kèm theo đó là bù đắp lượng khí thải còn lại không thể cắt giảm được thông qua thu giữ và lưu trữ carbon hoặc trồng rừng.

Một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Giang Tô. Than chiếm 58% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc năm ngoái.

Nhiều thách thức

Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ chi tiết về cách thức họ sẽ thực hiện cam kết này. Nhưng một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa đã trình bày lộ trình 30 năm trị giá 15 nghìn tỷ USD vào ngày 27/9, kêu gọi chấm dứt sử dụng than trong sản xuất điện vào khoảng năm 2050, tăng đáng kể sản xuất điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời chuyển sang dùng điện cho 80% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc vào năm 2060.

Than vừa là thách thức lớn nhất vừa là cơ hội. Năm ngoái, nhiên liệu carbon chiếm khoảng 58% tổng mức tiêu thụ năng lượng và 66% sản lượng điện của Trung Quốc. Ở các vùng sản xuất than, than còn được dùng để sưởi ấm các tòa nhà. Tuy nhiên tin vui là những tiến bộ gần đây trong năng lượng tái tạo đã làm cho việc thay thế than trở nên dễ dàng hơn so với việc cắt giảm sử dụng dầu trong vận chuyển hoặc cắt giảm phát thải từ các trang trại. Khác với vận tải hay nông nghiệp, "ngành điện là lĩnh vực các công nghệ không phát thải đã trở nên hoàn thiện nhất và có tính cạnh tranh kinh tế cao nhất," Lauri Myllyvirta, nhà phân tích ô nhiễm không khí tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Helsinki, cho biết.

Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc sẽ phải "quay đầu" trong quy hoạch năng lượng. Một nghiên cứu gần đây của Myllyvirta và các đồng nghiệp cho thấy công suất phát điện bằng than của Trung Quốc đã tăng khoảng 40 gigawatt (GW) vào năm 2019, lên khoảng 1050 GW. 100 GW khác đang được xây dựng và các nhóm lợi ích than đang vận động hành lang để xây nhiều nhà máy hơn nữa. Theo báo cáo của Myllyvirta, Trung Quốc xây mới điện than "bất chấp tình trạng thừa công suất đáng kể trong lĩnh vực này": các nhà máy điện than hiện có hoạt động dưới 50% công suất và nhiều công ty điện than thua lỗ.

Josep Canadianell, nhà khoa học về hệ thống trái đất tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc, nói rằng sự bùng nổ xây dựng điện than là kết quả của nhiều chính sách ưu tiên đặt sai chỗ. Ông dự đoán, nhiều nhà máy mới sẽ không được sử dụng hoặc trở thành tài sản bị mắc kẹt.

Một thách thức khác là cải cách thị trường điện. Li Shuo, cố vấn chính sách khí hậu của tổ chức Greenpeace Trung Quốc, cho biết, các nhà quản lý thường phân bổ thời gian hoạt động giữa các nhà máy điện sao cho phù hợp với nhu cầu phát điện, chứ không tính đến các tác động kinh tế hoặc môi trường. Hệ thống này hoàn toàn có lợi cho việc phát điện bằng than hơn là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, vốn bị ảnh hưởng của biến đổi thời tiết. Với sức mạnh của các nhóm lợi ích liên quan đến than đá và nhà thầu xây dựng, việc cải cách thị trường sẽ đòi hỏi ý chí chính trị đáng kể.

Mở rộng điện hạt nhân cũng đặt ra nhiều thách thức. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ở Nhật Bản, Trung Quốc đã yêu cầu các biện pháp an toàn bổ sung khiến các nhà máy hạt nhân mới trở nên đắt đỏ hơn. Sự phản đối của công chúng cũng ngày càng nhiều. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc có 48 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động và 12 lò đang được xây dựng. Chính phủ đã đặt mục tiêu 58 GW công suất hạt nhân vào năm nay nhưng thực tế chỉ đạt được 52 GW.

"Mối quan tâm của Trung Quốc đối với biến đổi khí hậu đã giảm dần trong những năm gần đây, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris," Zhang Junjie, nhà kinh tế môi trường tại Đại học Duke Kunshan, nhận định. "Cam kết về trung hòa carbon đã khơi dậy hy vọng về hành động vì khí hậu của Trung Quốc."

Nguồn:


Media Climate Net