Tuy nhiên, đầu tư tư nhân của phương Tây và Nhật Bản vào các dự án than trên khắp thế giới vẫn tiếp tục, và đây là một khoản lớn trong đầu tư điện than toàn cầu.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng nước này “sẽ không xây các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”. Đây là tin tức đáng hoan nghênh đối với khí hậu toàn cầu. “Cho đến nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư tài chính lớn nhất của các nhà máy điện than mới trên toàn thế giới,” do đó động thái này là “rất quan trọng đối với tình hình toàn cầu”, Josep Canadianell, nhà khoa học hệ thống trái đất tại Tổ chức Nghiên cứu Commonwealth Scientific and Industrial, Úc, nói.

.
Một tập đoàn của Trung Quốc đã xây nhà máy điện than Sahiwal ở Pakistan, bắt đầu hoạt động vào năm 2017.

Tuyên bố này không hoàn toàn bất ngờ, theo Christoph Nedopil, nhà kinh tế phát triển tại Đại học Fudan, Thượng Hải: “Các cơ quan chính phủ của Trung Quốc đã làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để đánh giá khả năng thoái vốn khỏi điện than trong những năm tới”. Trong số 52 dự án nhà máy nhiệt điện than liên quan đến Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các nước đang phát triển, 33 dự án đã bị tạm hoãn hoặc hủy bỏ, 7 dự án đang được xây, 11 dự án vẫn còn trong kế hoạch và chỉ 1 dự án đã đi vào hoạt động, theo báo cáo hồi tháng 6 của Nedopil.

Báo cáo của Nedopil lưu ý rằng vào năm 2020, lần đầu tiên các khoản đầu tư của BRI vào năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đã vượt đầu tư cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nedopil nói, đó là một dấu hiệu cho thấy chi phí năng lượng tái tạo ngày càng giảm, khiến Trung Quốc rút các khoản đầu tư khỏi than đá. Ngay cả các nhà máy điện than BRI đang được xây dựng cũng có thể bị đánh giá lại xem có tiếp tục triển khai hay không, theo Nedopil.

Kevin Gallagher, chuyên gia phát triển toàn cầu tại Đại học Boston, cho biết Trung Quốc là quốc gia lớn cuối cùng chấm dứt hỗ trợ tài chính của chính phủ cho các dự án điện than ở nước ngoài. Nhưng điều này không có nghĩa là việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển sẽ chấm dứt hoàn toàn. Trái ngược với ấn tượng sai lầm rằng hầu hết các nhà máy điện than được tài trợ bởi các ngân hàng chính phủ Trung Quốc, một nghiên cứu của Gallagher và Xinyue Ma, cả hai đều làm việc tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, chỉ ra, 87% đầu tư toàn cầu vào các nhà máy điện than ở nước ngoài đến từ các tổ chức tài chính (cả tư nhân và công) ở Nhật Bản và phương Tây. Gallagher nói: “Chúng ta sẽ không đáp ứng được các mục tiêu khí hậu toàn cầu nếu khu vực tư nhân tiếp tục tài trợ cho điện than ở nước ngoài."

Ngoài ra, tuyên bố của ông Tập cũng khiến cộng đồng nghiên cứu khí hậu đặt ra câu hỏi về các dự án than trong nước của Trung Quốc. Năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế báo cáo rằng, năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng lượng khí thải carbon dioxide (CO2). Và Trung Quốc đã đưa vào vận hành 38,4 gigawatt điện than mới vào năm ngoái, theo Global Energy Monitor (GEM), tổ chức phi lợi nhuận thu thập thông tin về các dự án điện nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới. Báo cáo năm 2021 của GEM về các nhà máy than giải thích, các tỉnh của Trung Quốc đã sử dụng các dự án than để kích thích nền kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, theo Li Shuo, cố vấn chính sách cấp cao của Tổ chức Greenpeace Đông Á tại Bắc Kinh, “Giờ đây, Trung Quốc đã quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi khỏi than đá ở các nước khác, do đó việc chuyển đổi khỏi than đá trong nước có thể sẽ không quá khó khăn.”

Nguồn: