Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam nói chung và Huế nói riêng nên làm gì để tận dụng cơ hội và tạo được lợi thế cho doanh nghiệp.

Ông Matthew McGarvey (đứng) tại buổi tọa đàm.
Ông Matthew McGarvey (đứng) tại buổi tọa đàm.

Đó là nội dung chia sẻ của ông Matthew McGarvey từ quỹ đầu tư Xylem Capital tại buổi tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tư vấn & Đầu tư Cộng Hưởng (CoPlus) tổ chức tuần qua.

Trước mắt, Việt Nam nên làm gì?

Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế lần đầu 50 tỷ USD lên các loại hàng hóa Trung Quốc: Hóa chất hữu cơ, hóa chất, đèn lưỡng cực – đèn led, phần cứng quân sự, thiết bị y tế, Phần cứng và nhựa, điện tiêu dùng, lắp ráp phụ, thiết bị, dụng cụ phẫu thuật, dược phẩm, hàng không vũ trụ, thịt lợn, ethanol, vận chuyển đường sắt, đậu tương – cao lương, ô tô, phế liệu kim loại, phụ tùng.

Matthew khuyến nghị Việt Nam có thể nghiên cứu và lựa chọn một vài lĩnh vực và hàng hóa mà Washington liệt vào danh sách bị áp thuế làm định hướng riêng cho quốc gia và doanh nghiệp, sau đó chọn lựa và mời về những nhà đầu tư phù hợp. Nhưng thiết nghĩ từ bây giờ, Việt Nam cần tổ chức hệ sinh thái thật chuyên nghiệp, mục đích tạo “đất lành” cho “chim quý” đậu.

Muốn thành công về lâu dài, Việt Nam nên làm gì?

Matthew chia sẻ, trên thế giới có hai quốc gia đã rất thành công trong vấn đề định vị được mình là ai, lợi thế của mình là gì là Thụy Điển và Isarel. Matthew đề xuất Việt Nam, nếu có thể, nên quan tâm nhiều hơn cách thức phát triển của Isarel. Xét về mặt lịch sử - địa lý, Việt Nam và Isarel có điểm tương đồng đều ở sát bên một ông hàng xóm lớn tối ngày chỉ muốn “đì” mình, muốn gây khó, muốn lũng đoạn, muốn đủ thứ. Tầm 50 năm trước, người Do Thái cũng khó khăn trăm bề. Vậy nên họ luôn trăn trở việc phải làm sao để quốc gia có thể phát triển được. Người Do Thái đã nghiên cứu tìm ra những lĩnh vực mà thế giới đang cần, dự đoán xu hướng, tập trung nguồn lực trí tuệ vào đó để phát triển và có một chỗ đứng. Sau đó, chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào phát triển ngành công nghiệp đã chọn thành thế mạnh. Những người giỏi hoặc muốn làm ăn trong các lĩnh vực này đều tìm đến Isarel.

Việt Nam có thể học hỏi để trở thành một điểm đến của thế giới trong thời gian gần.

Ai sẽ là lực lượng lao động của Huế trong tương lai?

Đối với Huế cũng tương tự. Huế nên định ra một vài lĩnh vực mà địa phương thấy phù hợp và thuận lợi triển khai. Và rồi, những tài năng, những nhà đầu tư xuất sắc nào muốn tham gia hoạt động trong lĩnh vực đó sẽ tự nhiên tìm đến. Như vậy sẽ tạo ra một sinh khí.

Matthew ví dụ, các thung lũng Silicon của Trung Quốc (tập trung ở Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh) tạo điều kiện cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ qua làm việc. Từ đó, Trung Quốc học hỏi và tạo ra “Thế hệ Internet” – “Kỷ nguyên Internet” riêng. Vậy nên, Huế cũng có thể nghĩ đến việc chọn ra và tập trung phát triển một lĩnh vực gì đó nhằm thu hút đầu tư và người làm ăn đến giúp cho địa phương mình bước lên một quỹ đạo mới, hay còn gọi là “đứng trên vai người khổng lồ”.

Bản chất người doanh nhân làm ăn trên thế giới rất nhạy bén. Nơi nào có điều kiện thuận lợi là người ta biết và tới ngay. Matthew từng gặp một bạn trẻ 25 – 26 tuổi người Đan Mạch về miền Tây thuê đất để thí nghiệm trồng trọt sản phẩm nông nghiệp, sau khi thành công đã viết một đề án kêu gọi đầu tư lên đến hàng trăm ngàn đô la để mở rộng kinh doanh. Thế giới có những người như vậy. Họ sẽ thấy, nghe chỗ đó có điều kiện tốt là họ tìm tới. Những người đó mới chính là những người đóng góp xây dựng địa phương của mình chứ không nhất nhất chỉ người ở đây.

Matthew hóm hỉnh: “Từ khi ông Chương - cố vấn CoPlus giới thiệu về Huế thì ông đã “đến” với Huế mấy lần. Bản thân ông thấy Huế dễ thương và người Huế không nên mặc cảm tự ti. Matthew thích cái nhẹ nhàng trầm lắng của Huế chứ không phải vì cái rộn ràng, rầm rầm, nhà cửa cao 40 - 50 tầng. Mỗi lần đi ngang qua bờ sông Hương thấy còn nhiều không gian xanh tuyệt vời. Hãy giữ gìn những điều đó vì có những giá trị riêng như vậy mới có những người như Matthew tìm đến chứ không phải dân làm ăn tới đây chụp giật mua bán”.

Làm thế nào để Huế chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này?

Matthew bày tỏ, bất kỳ một địa phương nào trong một quốc gia cũng phải có sứ mệnh đóng góp cho đất nước. Và đặc biệt hơn nữa là khi mình ở gần một ông có thị trường lớn như Trung Quốc càng cần phải hết sức tỉnh táo. Đừng để định kiến “bài Trung” làm lu mờ đi những cơ hội kinh doanh. Trung Quốc là một ông khổng lồ có nhu cầu rất lớn mà mình có thể làm ăn, có thể tận dụng. Còn “thủ thân” là chuyện đương nhiên. Vì vậy, chúng ta nên định cho rõ ràng giá trị của khách hàng này là gì? Và Huế là nơi có thể làm được nhiều chuyện với Trung Quốc mà không dính dáng gì đến chính trị.

Theo Matthew, Huế nên lưu tâm đến hai lĩnh vực gồm:

1. Phát triển ngành Năng lượng tái tạo

Dự báo Thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ đạt 2,2 tỷ USD Mỹ vào năm 2025 từ 1,5 tỷ USD năm 2017, đăng ký CAGR 4,9% từ năm 2017 đến năm 2025. Cho nên, Năng lượng tái tạo là một xu hướng bất biến trên thế giới trong tương lai. Để xây dựng được hệ thống năng lượng tái tạo cần công nghệ và nguồn lực để xây dựng công nghệ đó. Ngay cả Mỹ, ngành năng lượng Mặt trời có thể phát triển tốt như hiện tại đều nhờ trước đây mua trang thiết bị giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc.

Mặc dù dự đoán về nhu cầu Năng lượng tái tạo toàn cầu là rất mạnh ở tương lai gần nhưng trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp Mỹ, Thụy Điển sản xuất tại Trung Quốc đang tháo chạy, và chưa chắc chắn được sẽ chạy đi đâu đã làm nảy sinh các câu hỏi như: Ai sẽ xây dựng thiết bị và phần mềm để tăng sức mạnh cho sự tăng trưởng này? Kỹ thuật viên sẽ đến từ đâu? Giai đoạn tiếp theo của sự đổi mới sẽ đến từ đâu?

Đây có thể là cơ hội để Việt Nam và Huế chủ động lựa chọn những nhà đầu tư tốt, tinh hoa mời về. Một khi các nhà đầu tư này tới, họ sẽ cần một hệ sinh thái về cơ chế, đất đai, thủ tục hành chính.... và cần người ở đây hỗ trợ họ. Vậy nên, chúng ta cần nhanh chóng định vị và triển khai hoạt động đào tạo để tạo sẵn môi trường nhân sự lao động hấp dẫn, thu hút giới đầu tư đảm bảo giao thoa giữa các tiêu chí: Lao động chi phí hợp lý - Lực lượng lao động sáng tạo - Lực lượng lao động có trình độ học vấn cao.

2. Phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ

Trung Quốc đang gặp vấn đề rất lớn về an ninh thực phẩm ở cả hai nghĩa: thiếu nguồn thực phẩm và thiếu sự an toàn thực phẩm. Đây là một thị trường rất lớn. Theo đánh giá của FIBL năm 2016, Trung Quốc đứng thứ 4 về nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thế giới, sau Mỹ, Đức, Pháp. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc được dự báo sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về nhu cầu thực phẩm hữu cơ với tốc độ CAGR ước tính là 29,4% từ 2014 đến 2020.

Vậy Trung Quốc sẽ mua thực phẩm sạch ở đâu?

Matthew khẳng định: Nếu Việt Nam và Huế sản xuất thực phẩm hữu cơ thì bao nhiêu cũng không đủ để xuất sang Trung Quốc.

Một trọng điểm đáng lưu tâm chính là việc doanh nghiệp Việt Nam hay xé lẻ mà người Trung Quốc nắm rõ điều này. Matthew đã gặp nhiều thương lái Trung Quốc qua miền Tây làm hợp đồng mua nông sản trực tiếp với từng hộ nông dân rồi xuất sang Trung Quốc. Thành thử, bây giờ nông dân của mình làm có tốt có hay đến đâu chăng nữa thì họ cũng chỉ cần tới từng nhà thương thuyết, rồi đi quanh đàm phán ép giá. Cho nên, đáng lẽ sản phẩm này bán được 10 đồng thì nay chỉ bán được 3 đồng.

Matthew đề nghị, một khi Việt Nam hoặc Huế tổ chức triển khai phát triển ở mảng nông nghiệp hữu cơ để làm ăn với Trung Quốc nhất thiết phải tổ chức một Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp để có một thế mạnh và dễ dàng đảm bảo quyền lợi cho người nông dân trong thương thuyết làm ăn. Dứt khoát phải đoàn kết, tổ chức hiệp hội để khi có đơn hàng lớn với nhiều nhóm hàng hóa thì ai làm cái gì thuận tay nhất sẽ giao cho họ, từ đó mình sẽ chủ động được về giá để bán. Sự xé lẻ làm cho chúng ta mất giá trị rất lớn.