"Để đạt được mục tiêu Chương trình phát triển vật liệu xây không nung 567 của Chính phủ là tăng thị phần của vật liệu xây không nung lên 40% đến năm 2020, cần đầu tư mới khoảng 200-250 dây chuyền thiết bị gạch không nung (GKN) công suất trung bình 20-25 triệu viên/năm".

Ý kiến trên được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh chia sẻ tại Hội thảo "Tăng cường và sử dụng gạch không nung tại Thành phố Hải Phòng". Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt nam”, được tổ chức ngày 23/12.

Tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TS Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế Kỹ thuật (Bộ KH&CN) cùng nhiều đại biểu đến từ Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, UBND TP Hải Phòng và đại diện các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, thời gian qua Chương trình vật liệu xây không nung đã được nhiều kết quả tích cực.

"Tuy nhiên, để thực hiện thành công các mục tiêu bền vững Chương trình của Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức và nhận thức, mở rộng thị trường, công nghệ sản xuất và cơ chế tài chính" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Đại diện đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, TS Nguyễn Đình Hậu chia sẻ: "Hiện số lượng dây chuyền sản xuất GKN lên đến con số hàng nghìn tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng đảm bảo được công nghệ hiện đại, vận hành ổn định. Vì vậy, các đơn vị sản xuất GKN cần phải nâng cao năng lực quản trị đảm bảo chất lượng GKN".

Trước thực trạng trên Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu Chương trình phát triển vật liệu xây không nung 567 của Chính phủ là tăng thị phần của vật liệu xây không nung lên 40% đến năm 2020, cần đầu tư mới khoảng 200-250 dây chuyền thiết bị GKN công suất trung bình 20-25 triệu viên/năm.

"Hiện các nhà chế tạo thiết bị GKN trong nước đang chiếm một thị phần nhỏ trong việc cung cấp thiết bị GKN. Vì vậy việc hỗ trợ các nhà chế tạo trong nước vươn lên sản xuất được nhiều thiết bị tiên tiến và hiện đại là một chính sách được Chính phủ quan tâm khuyến khích", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất GKN.

Được biết, trong thời gian qua trên địa bàn TP Hải Phòng, Ban quản lý dự án đã thực hiện dự án trình diễn tại Công ty Thanh Phúc nhằm mục tiêu quảng bá công nghệ sản xuất GKN với dây chuyền thiết bị công ty này chế tạo. Hiện Công ty Thanh Phúc đã chế tạo và cung cấp được các dây chuyền thiết bị sản xuất GKN với công nghệ ngày càng tiên tiến, tự động hóa cho khách hàng trong nước và quốc tế.

"Ngoài những khó khăn về công nghệ thì tâm lý người tiêu dùng cũng là một rào cản lớn nhiều người vẫn cho rằng vật liệu không nung thì không tốt bằng đất sét nung nhưng thực tế GKN có chất lượng gạch rất tốt. Bằng chứng đã có nhiều công trình lớn sử dụng GKN tại Hải Phòng cũng như các địa bàn trong cả nước có những khách sạn lớn nước ngoài đầu tư cũng đang sử dụng GKN để thay thế gạch đất sét nung" - TS Hậu chia sẻ thêm.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014 phê duyệt Danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan chủ quản Dự án, Bộ Xây dựng là Cơ quan đồng thực hiện.

Mục tiêu tổng quát của dự án là giảm mức phát thải nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN. Mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2. Mức giảm phát thải nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13,4 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.