Sau 15 năm thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tỷ lệ nông dân ký hợp đồng tiêu thụ qua doanh nghiệp vẫn rất thấp do tình trạng thiếu niềm tin giữa hai bên. Ở các tỉnh phía bắc, thậm chí chỉ có 2-3% số nông dân ký hợp đồng tiêu thụ.

Thực trạng này được nêu ra tại hội thảo “Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân - đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nông nghiệp” được tổ chức gần đây ở Bến Tre.

Rất ít hợp đồng doanh nghiệp - nông dân

GS-TS Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Sau 15 năm thực hiện, kết quả không như mong đợi. “Điều tra ở các tỉnh phía bắc cho thấy, chỉ 2-3% số nông dân ký hợp đồng tiêu thụ qua doanh nghiệp; 15/19 doanh nghiệp cho biết họ không tin vào việc ký kết hợp đồng với nông dân” - GS Viên nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay việc liên kết 4 nhà (nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và Nhà nước) kém hiệu quả vì không có công cụ pháp lý để các bên yên tâm tham gia: “Mỗi khi đổ vỡ hợp đồng, doanh nghiệp chịu thiệt nhiều hơn. Nhiều trường hợp nông dân chủ động phá hợp đồng dù đã nhận đầu tư của doanh nghiệp. Họ sẵn sàng bán sản phẩm cho bên trả giá cao hơn. Do đó, cần có hệ thống xử lý tranh chấp một cách nghiêm minh để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên và tạo niềm tin lâu dài”.

Vườn ớt của bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm ở phường 8, Đà Lạt. Ảnh: PN

Ở góc độ khác, GS Viên phản ánh, có tới 60% số doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân chỉ quan tâm tới thu mua sản phẩm chứ không đầu tư. Họ thường chỉ nghe ngóng xem có công nghệ nào mới để mua trọn gói. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tạo vùng nguyên liệu cũng rất mong manh. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2012 cho thấy, 85% trong 9.200 hợp tác xã được khảo sát không sản xuất theo hướng thị trường, nghĩa là nông dân không biết nông sản của họ sẽ được bán ở đâu, cho ai và với giá như thế nào.

“Nông dân chỉ biết trồng thôi chứ không quan tâm tới thị trường. Hợp tác xã đáng lẽ nên đóng vai trò dịch vụ đầu vào và đầu ra thì thực tế chỉ bán thuốc trừ sâu, giống và phân bón” - GS Viên nói.

Xây dựng niềm tin giữa hai bên

Theo các chuyên gia, câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là câu chuyện niềm tin. Bà Phạm Chi Lan nói: “Để liên kết này bền vững, điều quan trọng nhất chính là tạo được lợi ích chung cho hai bên. Doanh nghiệp luôn tính đến lợi ích dài hạn, nông dân nhìn lợi ích ngắn hạn hơn. Mỗi bên cần đặt mình vào vị thế của đối tác để thuyết phục họ, tạo niềm tin từ quan điểm, lợi ích chung”.

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng: “Với các chuỗi liên kết, nếu doanh nghiệp đảm bảo nông dân góp đất sẽ có việc làm và thu nhập cao hơn thì chắc chắn họ sẽ ủng hộ. Nếu không đảm bảo được những lợi ích đó, hiện tượng phá hợp đồng khi được trả giá cao hơn rất dễ xảy ra. Theo kinh nghiệm của tôi, nông dân hay nghi ngờ và không dễ thuyết phục. Vì thế, hãy tổ chức thí điểm cho họ đến xem rồi mới bàn chuyện liên kết hợp tác”.

Theo GS Viên, cần coi liên kết là động lực phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa: “Phát triển nông nghiệp không nhất thiết là sản xuất lúa gạo, có thể tập trung vào rau, củ, quả. Có doanh nghiệp, khâu chế biến sau thu hoạch sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản, tăng cường sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam trên thế giới. Tôi rất hoan nghênh Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chương trình Sản phẩm quốc gia. Nếu triển khai tốt, đây sẽ là bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam”.

Đưa ra vài tiêu chí về mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân như sự cân bằng vị thế, năng lực tiếp cận thông tin về công nghệ, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nông dân tuy có quyền sử dụng đất nhưng giá trị trong chuỗi sản phẩm không cao; trong khi doanh nghiệp sở hữu nhiều yếu tố khác, nắm cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Ở vị thế cao hơn, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận hợp lý để thuyết phục nông dân đồng hành với mình trong chuỗi giá trị; chủ động chia sẻ những công nghệ, thông tin thị trường mà mình tiếp cận được để tạo niềm tin.

“Trong bài toán liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cần có một bên giữ vai trò chỉ đạo, đưa ra khuôn khổ pháp lý, hệ thống khuyến khích để các bên có thể đi cùng nhau, ứng dụng đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo yêu cầu mới: Chất lượng, an toàn truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.