Việc tiếp cận với các tác phẩm văn học, nghệ thuật,… của độc giả cũng như việc chỉnh sửa, cải tiến tác phẩm điện ảnh, sân khấu,… của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ các đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay.

Tuy nhiên, liệu điều này có mâu thuẫn với mục tiêu bảo hộ quyền lợi cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả?

Để hội nhập quốc tế trong suốt hai thập niên qua, Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những dự luật được sửa đổi nhiều lần nhằm tiệm cận nhất với các quy định của quốc tế và hài hòa với quyền lợi quốc gia. Sau một loạt các hiệp ước tự do thương mại mới được ký kết và có hiệu lực trong năm 2020, Luật Sở hữu trí tuệ lại tiếp tục được thảo luận và sửa đổi. KH&PT cập nhật những dự thảo sửa đổi lần này, có so sánh với những lần sửa đổi trước, qua loạt bài nhiều kỳ.

Những quy định về quyền tác giả sẽ tác động nhiều đến quá trình số hóa của ngành thư viện. Nguồn: Học viện Cảnh sát nhân dân

Xung đột nội sinh trong quyền tác giả

Nhắc đến những tranh chấp bản quyền liên quan đến sân khấu gần đây, gần như mọi người đều biết đến trường hợp vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú. Ban đầu, hai bên hợp tác với nhau để dựng vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (tên khác là “Thuở ấy Xứ Đoài”). Tuy nhiên, sau đó hai bên nảy sinh bất đồng, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã ký kết với một bên khác để dựng vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” có mô típ tương tự. Đạo diễn Việt Tú đã khởi kiện vì cho rằng Công ty Tuần Châu Hà Nội đã xâm phạm quyền tác giả của mình. Vụ tranh chấp kéo dài khoảng hai năm, đến đầu năm 2020 mới chấm dứt khi hai bên đồng ý hòa giải.

Thực chất, vụ việc “Tinh hoa Bắc Bộ” chỉ là một vụ việc tiêu biểu thể hiện một trong những vướng mắc lớn nhất liên quan đến quyền tác giả ở Việt Nam từ nhiều năm nay: mâu thuẫn giữa bảo hộ quyền nhân thân của tác giả và quyền làm tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn). Một trong những quyền nhân thân vĩnh viễn thuộc về tác giả là “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” (khoản 4 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2019). “Chẳng hạn trong trường hợp vở diễn ‘Tinh hoa Bắc Bộ’ hoặc các vụ việc khác trong lĩnh vực sân khấu, đạo diễn kịch bản sẽ nắm giữ quyền nhân thân, ngăn không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình. Trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả muốn cải biên kịch bản (chẳng hạn sửa đổi nội dung để phù hợp hơn với thị hiếu người xem), họ nên xin đồng ý/chấp thuận của tác giả trước khi tiến hành cải biên (để hạn chế rủi ro xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả), ngay cả khi Luật SHTT cho phép chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh (bao gồm tác phẩm cải biên)”, luật sư Lê Xuân Lộc, Trưởng bộ phận thực thi Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội của công ty luật Tilleke & Gibbins, giải thích.

Mặc dù điều luật này nhằm bảo hộ quyền lợi cho tác giả song cũng khiến việc cải tiến, chỉnh sửa tác phẩm hoặc làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong trường hợp tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là hai đối tượng khác nhau. “Trong điều kiện bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng nếu hai bên ‘cơm không lành canh không ngọt’ thì dễ dẫn đến mâu thuẫn”, luật sư Lê Xuân Lộc nhận xét.

Nhiều vụ tranh chấp quyền tác giả đã xảy ra trong thực tế vì những vướng mắc liên quan đến quy định bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ảnh: Một cảnh trong vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Nguồn: Vneconomy

Cân bằng lợi ích giữa các bên

Nhận thấy hạn chế trong thực tế, dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay (dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022) đã đề xuất quy định “Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận về việc đặt tên, sửa chữa tác phẩm”. Đây là một bước tiến trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu ở Việt Nam. “Chúng tôi đã luật hóa các quy định này nhằm đáp ứng thực tiễn, tránh trường hợp hiện nay quy định quyền nhân thân là quyền không thể chuyển giao, gây khó khăn cho các bên liên quan trong việc phát triển tác phẩm, chẳng hạn như cải biên hoặc chuyển thể làm phim”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận xét trong một hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào tháng 1/2021.

Những thay đổi tương tự cũng được đề xuất áp dụng với chương trình máy tính. Hiện nay, theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm văn học, dù thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Thực tế này cũng khiến các công ty phần mềm gặp không ít khó khăn khi bảo hộ chương trình máy tính ở Việt Nam. Các công ty thường thuê kỹ sư viết phần mềm, nếu không có thỏa thuận trước về quyền nhân thân, công ty sẽ khó có thể nâng cấp hay chỉnh sửa phần mềm nếu không có sự đồng ý của tác giả (các kỹ sư phần mềm). Việc nâng quy định trên thành luật là “điều rất hợp lý và đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, nhận xét.

Việc thay đổi theo hướng “mở” hơn không chỉ giải quyết những vướng mắc trong thực tế mà còn thể hiện xu hướng cân bằng trong các hệ thống bảo hộ quyền tác giả trên thế giới. Quy định về bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, coi tác giả là trung tâm và bảo hộ cả quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, khác với hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, tập trung bảo vệ quyền lợi kinh tế của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, việc bảo hộ quá chặt chẽ quyền nhân thân không cho phép chuyển giao có thể ảnh hưởng đến việc chỉnh sửa, cải tiến tác phẩm, không có lợi về mặt kinh tế. Do vậy, “dự thảo sửa đổi theo hướng như trên là hoàn toàn hợp lý và đang luật hóa chuyển động của thực tiễn. Hai hệ thống đấy đang chuyển động tịnh tiến lại gần nhau rất nhiều”, luật sư Lê Xuân Lộc nhận xét.

Không những vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn cho rằng nên mở rộng hơn quy định này. “Tôi nghĩ quan điểm này rất hợp lý nhưng tại sao không mở rộng sang các đối tượng khác cũng rất hay tranh chấp, việc quy định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự thỏa thuận với nhau thì hơi chung chung quá, phải chăng có nên tiếp cận theo hướng có thể thỏa thuận miễn thực hiện quyền nhân thân luôn”, luật sư Lê Quang Vinh bày tỏ trong hội thảo. “Nhiều trường hợp tác giả đã hết sạch quyền tài sản rồi nhưng vẫn có thể sử dụng quyền nhân thân để ngăn cản chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện điều đó”.

Bên cạnh xu hướng “mở” đối với việc phát triển tác phẩm, dự thảo sửa đổi lần này còn mở rộng ngoại lệ các trường hợp có thể sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và không phải trả tiền bản quyền.

“Mở” trong tiếp cận tác phẩm

Bên cạnh xu hướng “mở” đối với việc phát triển tác phẩm, dự thảo sửa đổi lần này còn mở rộng ngoại lệ các trường hợp có thể sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và không phải trả tiền bản quyền. Theo đó, bổ sung quy định liên quan đến sao chép, lưu trữ và truyền tải tác phẩm trong hoạt động thư viện, bao gồm cả dạng truyền thống và dạng kỹ thuật số để phục vụ cho mục tiêu học tập và nghiên cứu. “Điều này nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận tác phẩm cũng như khuyến khích trong nghiên cứu, học tập,...”, bà Phạm Thị Kim Oanh nhận xét. Ngoại lệ cũng được mở rộng với việc chuyển tác phẩm sang định dạng dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật, không chỉ giới hạn ở đối tượng người khiếm thị như trước kia. “Đây là điều khoản mang tính nhân đạo để các cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho họ, thậm chí tiếp nhận các tác phẩm này để tiếp tục sáng tạo. Nội dung này cũng tuân thủ theo Hiệp ước Marrakesh mà Việt Nam đã tham gia về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố”.

Dù chưa nhiều song những đề xuất này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng tài nguyên giáo dục mở hiện nay. “Gần 20 năm nay rất nhiều thư viện trên cả nước đã bỏ ra nhiều tiền để chuyển đổi số, thế nhưng có nơi đã bị tác giả kiện vì họ bảo ‘ai cho phép các anh đưa tác phẩm của tôi lên mạng’. Tôi rất mừng vì lần này sửa đổi luật nhiều hơn và đã chạm đến ngành của chúng tôi. Bây giờ thư viện chủ yếu phục vụ trên máy tính nên chúng tôi rất quan tâm đến quy định này, mong sao đừng để cho ngành chúng tôi hàng chục triệu trang tài liệu nhưng không phục vụ được online mà phải đến thư viện mới đọc được, rất lãng phí tài nguyên”, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, bày tỏ trong hội thảo. Những thay đổi này cũng phù hợp với xu hướng truy cập mở được đề xuất trong tuyên bố Bethesda và tuyên bố Berlin về truy cập mở, tạo điều kiện truy cập các tác phẩm (với mục đích phi thương mại) miễn phí trong bối cảnh chi phí cho các ấn phẩm xuất bản ngày càng cao.

Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu tiếp cận tác phẩm của xã hội và đảm bảo quyền lợi của tác giả là bài toán không dễ tìm lời giải. “Đó là góc độ của thư viện, dưới góc độ xuất bản của chúng tôi thì khác. Chẳng hạn chúng tôi mất khoảng 1 tỷ đồng để mua bản quyền và in được 300 cuốn sách, nếu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ như thế này thì chúng tôi chẳng bán được sách cho ai vì mỗi thư viện được quyền photocopy 1 bản”, ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam phân tích. “Tôi cho rằng phải làm thế nào để giới hạn cho vừa phải. Một điều nữa là các nước đã có quy định riêng về quyền truy cập mở, phải chăng là chúng ta cũng nên có quy định về vấn đề này”.