Không chỉ hoạt động để đem về những thành tích thi đấu quốc tế, CLB Robotics GART 6520 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn hướng đến chia sẻ kiến thức với cộng đồng, trong đó mới nhất là chương trình Power Up Vietnam (PUV).

Ý tưởng về chương trình này được hình thành từ tháng 10/2021, khi qua tìm hiểu và khảo sát thực tế, GART 6520 nhận thức được rằng giáo dục STEM có vô vàn tiềm năng nhưng lại chưa tiếp cận được những đối tượng cần đến là các học sinh nông thôn và miền núi - bạn Khúc Trà My (Phó Chủ tịch CLB GART 6520 Gen 5) - nhớ lại.

Các thành viên trong dự án Power Up Vietnam tại Maker Space của KidsCode, nơi diễn ra các buổi hướng dẫn trực tuyến. Ảnh: GART 6520

Bọn mình nhận thấy giáo dục STEM thật sự là cơ hội để thay đổi cuộc sống vì đây là một mô hình giáo dục tiên tiến, giúp trang bị kiến thức đa lĩnh vực và các kỹ năng mềm, nhờ đó các học sinh có thể làm chủ công nghệ, khai thác công nghệ để giải quyết các vấn đề cuộc sống, trở thành công dân thực thụ trong xã hội 4.0.

Mục tiêu ban đầu của PUV là hướng dẫn các em học sinh tiểu học và THCS ở một số huyện nông thôn và miền núi làm quen với lập trình kéo thả Scratch và lắp ghép robot đơn giản.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chương trình muốn mang đến những khóa học lập trình trực tuyến miễn phí, cung cấp những kiến thức cơ bản, phù hợp với mọi lứa tuổi, dễ hiểu và dễ vận dụng trong các tình huống cụ thể,” bạn Nguyễn Kim Ngân, một thành viên của PUV, nói. Bạn cũng cho hay: “Bọn mình hiểu rằng, biết cách ứng dụng các kỹ năng lập trình, nói cách khác, xóa mù lập trình, là một tiêu chuẩn của bất kỳ công dân nào trong thời đại số.

Kết quả, tháng 10 năm ngoái, PUV đã tổ chức thành công một buổi dạy offline cho khoảng 100 học sinh yêu thích STEM tại 2 trường tiểu học và THCS ở huyện Đông Các, tỉnh Thái Bình; và một buổi online cho khoảng 2.000 học sinh ở 20 điểm trường thuộc huyện Bảo Thắng, Lào Cai qua nền tảng smartroom. Những kiến thức được truyền đạt trong các buổi học có thể nói là khá mới mẻ với các em học sinh tiểu học và THCS, bởi vậy, nội dung giảng dạy luôn bao gồm các bài tập thực hành kết hợp với trò chơi, giúp các em nhỏ hứng thú và dễ ghi nhớ kiến thức hơn.

dgdfg
Học sinh ở một điểm trường của huyện Bảo Thắng, Lào Cai, trong buổi học trực tuyến do PUV tổ chức ngày 22/10/2021. Ảnh: GART 6520

Bước sang mùa thứ 2, PUV quyết định triển khai với nội dung hoàn toàn mới, trong đó nổi bật nhất là các buổi tập huấn, truyền cảm hứng thành lập câu lạc bộ STEM và Robotics vì đây sẽ là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa các hoạt động tự học, tự nghiên cứu. Nội dung này diễn ra hoàn toàn online trên nền tảng Zoom Meeting.

Thông qua các buổi tập huấn, Chương trình tư vấn về cách thức hoạt động, tổ chức mô hình CLB sao cho phù hợp với môi trường học tập tại địa phương của các em. Ngoài ra, các em được hướng dẫn cách tổ chức/quản lý những sự kiện cộng đồng có quy mô từ nhỏ đến lớn về lan tỏa STEM, giúp các ngành khoa học – kỹ thuật ngày càng phát triển tại Việt Nam. Chương trình còn bao gồm việc huấn luyện các kỹ năng mềm (lãnh đạo, làm việc nhóm, lên kế hoạch, quản lý thời gian,...), kỹ năng chuyên sâu của từng phân ban. Các em cũng được thảo luận về những khó khăn có thể gặp khi thành lập câu lạc bộ và cách khắc phục.

Chỉ trong tháng Tư vừa qua, PUV đã tổ chức được 4 buổi hướng dẫn, mỗi buổi kéo dài khoảng hơn 1 tiếng, cho tổng cộng hơn 6.000 lượt học sinh tại 6 điểm trường: Trường TH-THCS Mù Cang Chải; Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải; Trường tiểu học Thị trấn Than Uyên; Trường THCS Thị trấn Than Uyên; Trường THCS Sơn Thịnh và Trường Nội trú huyện Văn Chấn.

ssfdsf
Để tiến hành một buổi dạy, thường cần có sự tham gia chuẩn bị của 7-10 thành viên của GART 6520. Ảnh: GART 6520

Chia sẻ trong buổi học cuối cùng của giai đoạn 1, Đỗ Ngọc Hà (học sinh lớp 8A2 Trường THCS Thị trấn Than Uyên) bày tỏ niềm hào hứng khi trường của em đang trong quá trình chuẩn bị phòng ốc cùng các thiết bị để tổ chức CLB STEM: “Em cảm thấy rất vui vì sắp tới, trường em sẽ họp bàn với xã để tổ chức và chuẩn bị phòng thực hành cho câu lạc bộ mới lập tại trường.”

Tiếp theo, trong tháng 5, PUV sẽ có một buổi “lên núi” theo đúng nghĩa, giới thiệu cho các em nhỏ những cuốn sách hay về các ngành STEM, đồng thời tổ chức dạy kỹ năng tiếng Anh liên quan đến các ngành này.

Kể từ khi ra đời đến nay, PUV luôn may mắn có sự hợp tác của Công ty cổ phần Phát triển giáo dục KidsCode và Liên minh STEM, những đơn vị sẵn sàng hỗ trợ Chương trình về địa điểm giảng dạy và cung cấp thông tin liên hệ của các trường ở địa phương. Đây cũng là hai đơn vị đã hỗ trợ Chương trình tổ chức các chuyến đi dạy offline tại địa phương.

Đặc biệt, nếu trong năm đầu tổ chức, PUV sử dụng quỹ của câu lạc bộ để “chạy” thì năm nay, Chương trình đã chủ động gây quỹ để mở rộng quy mô, tiếp cận được nhiều điểm trường hơn. Chương trình đặt mục tiêu kêu gọi tài trợ 50 triệu đồng và đến nay đã hoàn thành mục tiêu. 10 triệu đồng trong số tiền đó sẽ được trích ra để mua tặng mỗi điểm trường một bộ robot giáo dục. Món quà có ý nghĩa thực hành này sẽ được trao tận tay các em học sinh miền núi ngay trong tháng Năm.

GreenAms 6520 Robotics Team (GART 6520) được thành lập vào năm 2016 tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. CLB hiện có hơn 100 thành viên, được coi là tương đối lớn so với các câu lạc bộ khác ở ngôi trường có khoảng 3.000 học sinh này. Đây cũng là đội tuyển đầu tiên của Việt Nam tham dự FIRST Robotics Competition – cuộc thi về robot lớn nhất dành cho học sinh toàn cầu.