Báo cáo mới của Liên hợp quốc cho rằng các quốc gia vẫn còn “đi chệch hướng” trong việc đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 và cần có nhiều hành động hơn nữa để hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là báo cáo kiểm kê toàn cầu về khí hậu, được Liên hợp quốc (LHQ) sử dụng làm cơ sở cho các cuộc thảo luận tại hội nghị Cop28 ở Dubai, bắt đầu vào cuối tháng 11. Kiểm kê toàn cầu là một quá trình bắt buộc theo thỏa thuận Paris, nhằm kiểm tra 5 năm một lần về tiến độ của các quốc gia trong việc đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải.

Simon Stiell - người đứng đầu về các vấn đề khí hậu của LHQ, cho biết báo cáo đưa ra một loạt hành động để các chính phủ cân nhắc. Lượng phát thải khí nhà kính vẫn đang tăng, trong khi đó có sự đồng thuận rộng rãi trong giới nghiên cứu rằng thế giới phải đạt đỉnh phát thải muộn nhất là vào năm 2025 nếu muốn có cơ hội đáp ứng mục tiêu 1,5 độ C.

Hình minh họa. Nguồn: Reuters

Bên cạnh chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch, báo cáo cho biết, cần bảo đảm nguồn tài trợ để giải cứu các nước nghèo khỏi tác động của khủng hoảng khí hậu từ 200 đến 400 tỷ USD mỗi năm vào cùng thời điểm đó.

Ngoài ra, các đề xuất khác trong báo cáo mới trước thềm hội nghị thượng đỉnh khí hậu tiếp theo của LHQ bao gồm tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp 2 lần hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu vào năm 2030.

Đây là tài liệu thứ hai trong số hai tài liệu làm nền tảng cho các cuộc thảo luận tại Cop28. Cả hai tài liệu đều bao gồm các đề xuất loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch – một vấn đề gây nhiều tranh cãi nhưng đã bị gạt sang một bên tại hai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu gần đây nhất của LHQ - Cop27 ở Ai Cập năm ngoái và Cop26 ở Glasgow vào năm 2021.

Không có gì đảm bảo rằng đề xuất này sẽ được đồng thuận tại Cop28, thậm chí chưa chắc sẽ nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị thượng đỉnh. Báo cáo kiểm kê toàn cầu mới sẽ được thảo luận tại các cuộc họp kỹ thuật của các quốc gia thuộc LHQ để các chính phủ và nước chủ nhà xác định những gì được đưa vào chương trình nghị sự tại Cop28.

Nhiều nhà vận động lo ngại rằng UAE, với tư cách là nhà sản xuất dầu khí lớn, sẽ không thúc đẩy việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Catherine Pettengell - giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Khí hậu Vương quốc Anh, kêu gọi các quốc gia thực hiện các đề xuất trong báo cáo kiểm kê toàn cầu. “Cop28 phải là thời điểm quyết định để chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và mở một quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng. Báo cáo kiểm kê mới cho thấy rõ rằng thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải là trọng tâm để Cop28 có thể được coi là thành công", Pettengell nói.

Theo Harjeet Singh - chuyên gia tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế, đã có sự đồng thuận về nhu cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. “Trước những bằng chứng không thể phủ nhận liên quan đến nhiên liệu hóa thạch với cuộc khủng hoảng khí hậu, ngành công nghiệp này từ lâu đã trốn tránh trách nhiệm giải trình trước LHQ“, Singh nói. "Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch đáng trách. Cop28 phải bắt đầu một quá trình xây dựng một hiệp ước nhiên liệu hóa thạch toàn cầu mới, lấp đầy khoảng trống mà thỏa thuận Paris để lại".

Singh cũng kêu gọi rằng nhu cầu của các nước đang phát triển và người nghèo hơn phải là các mối quan tâm chính. “Khuôn khổ toàn cầu mới này cần đảm bảo rằng mọi người lao động và cộng đồng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nhận được hỗ trợ thông qua hợp tác quốc tế. Quyền được chuyển đổi công bằng sang một thế giới xanh hơn, an toàn hơn của họ phải được tôn trọng", ông cho biết.

Nguồn: