Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa công bố báo cáo dự đoán 3 kịch bản ảnh hưởng kinh tế nếu dịch COVID-19 kéo dài đến mỗi tháng trong quý II và khuyến nghị những kịch bản đối phó tương ứng.

Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì dịch bệnh
Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì dịch bệnh

Báo cáo do hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia tại nhiều khoa/viện của NEU thực hiện, đứng đầu bởi GS. TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; và PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU.

Dữ liệu được thu thập từ thời điểm dịch khởi phát vào đầu năm 2020, nhưng các phân tích, đánh giá chuyên sâu về tác động tới kinh tế Việt Nam, về tăng trưởng và các ngành nghề được thực hiện nhanh chóng trong gần 2 tuần cuối tháng 3.

Báo cáo được công bố ngày 3/4 tại Hà Nội, dự đoán 3 kịch bản ảnh hưởng kinh tế nếu dịch kéo dài đến mỗi tháng trong quý II và khuyến nghị những kịch bản đối phó tương ứng.

Các tác giả đánh giá, sự thay đổi của tâm dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ sẽ tác động lớn hơn đối với kinh tế Việt Nam. Dựa trên các cơ sở đó, một số dự báo đến nền kinh tế vĩ mô được đưa ra, bao gồm:

(i) Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý III năm 2020.

(ii) VnIndex giảm khoảng 28%, phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%.

(iii) Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.

Nhìn chung, thời gian càng kéo dài ở Việt Nam thì các tác động suy giảm kinh tế càng mạnh, đặc biệt trong các ngành thương mại hàng hóa, xuất nhập khẩu, du lịch, hàng không, giáo dục. Ngược lại, một số ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng như dịch vụ y tế và thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, những ngành được dự báo khả quan hoặc phục hồi đều sẽ phải tái cơ cấu dịch vụ, lao động hoặc chuyển đổi mạnh mẽ về mô hình để thích nghi với bối cảnh mới trong và sau dịch bệnh.

Chỉ 15% doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường, nếu dịch kéo dài đến tháng 6

Khảo sát ý kiến 510 doanh nghiệp thuộc nhiều quy mô (tính đến ngày 1/4/2020) trong bối cảnh dịch bệnh, báo cáo của NEU chỉ ra, các khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp nêu ra là sụt giảm nguồn thu do nhu cầu thị trường giảm (60,2%); hoạt động sản xuất kinh doanh dưới mức bình thường (51,8%); và thiếu vốn (36,7%).

Cắt giảm chi phí là cách thức đối phó chính mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện – nhiều nhất là cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên (65,5%); cắt giảm người lao động (35,3%); và cắt giảm lương nhân viên (34%)

Các kịch bản cho thấy nếu dịch kéo dài đến tháng 6/2020, chỉ còn 15% doanh nghiệp theo mẫu khảo sát duy trì được hoạt động bình thường, trong khi gần 50% phải tiếp tục cắt giảm quy mô, gần 33% phải tạm dừng hoạt động và khoảng 6% trên bờ vực phá sản. Nếu dịch kéo dài đến hết năm 2020, tỷ lệ phá sản sẽ lên tới gần 40%.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp kỳ vọng chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Họ cũng ưu tiên chính phủ thực hiện giảm thuế, miễn thuế, thay vì chỉ giãn, tạm hoãn, hoặc cơ cấu lại khoản vay.

Tuy những chính sách đang có đều được doanh nghiệp đánh giá tích cực, nhưng dường như chưa có chính sách nào vượt trội trong việc đáp ứng nhu cầu của số đông doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát của báo cáo. Doanh nghiệp cũng hi vọng chính phủ nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã tuyên bố và bình ổn vĩ mô.

Những kịch bản "hỗ trợ" và "giải cứu"

Báo cáo của NEU nhấn mạnh, Chính phủ cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau, từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, do mức độ kết nối của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và mức độ mở cửa thương mại tương đối lớn, nên dù dịch bệnh có thể được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu các quốc gia khác vẫn tiếp diễn dịch.
Tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam | Nguồn: NEU
Tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam | Nguồn: NEU

Các chuyên gia cho rằng nếu dịch bệnh trong nước có thể kiểm soát trong tháng 4 hoặc tháng 6, thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”, tức: tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp hộ gia đình mất thu nhập lâu dài, nới lỏng tín dụng, hoãn trả nợ, giảm lãi vay, hoãn đóng thuế và bảo hiểm, hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp hợp đồng…

Ngược lại, nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”, tức: Cắt giảm lãi suất mạnh hơn tới 1-2 điểm phần trăm, bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, can thiệp trực tiếp bằng cách nhà nước mua lại nợ hoặc tăng sở hữu vốn ở một số lĩnh vực, tập đoàn quan trọng; tăng đầu tư công để chính phủ trở thành cầu chi tiêu chính kích thích thị trường, …

Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam có khoảng 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình, khu vực kinh tế này không thể đứng vững được lâu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do vậy, các tác giả khuyến nghị các chính sách đặc biệt hướng đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý phải theo dõi tình hình của doanh nghiệp lớn, tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp đầu tầu có thể lan sang các khu vực khác. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai.

"Chính sách hiện tại của chúng ta đang đi rất đúng hướng, vấn đề còn lại là phải khẩn trương triển khai thực hiện ngay, đặc biệt là đối với các đối tượng đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu là phải đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời thì các chính sách đưa ra mới đạt được hiệu quả," GS.TS. Trần Thọ Đạt nhận xét.

Ông cũng nói thêm, Chính phủ cần sớm tính đến các kịch bản phục hồi sau khủng hoảng, đặc biệt rút ra các khiếm khuyết trong thiết kế các gói cứu trợ và hỗ trợ từng được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm nay theo nhiều chuyên gia quốc tế, còn nghiêm trọng hơn thời điểm khủng hoảng hơn mười năm trước.

Báo cáo đưa ra 11 giải pháp khuyến nghị cụ thể đối với từng đối tượng trong nền kinh tế, gồm: Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính, khu vực hỗ trợ BHXH và an sinh xã hội, và doanh nghiệp.

Toàn văn báo cáo có thể truy cập tại đây./.