Ngồi nhà học online có thể sẽ khép lại rất nhiều cơ hội chứng tỏ bản thân trưởng thành của người trẻ.

Tôi bắt đầu buổi giảng bài cuối cùng trong năm 2021 bằng một câu hỏi dành cho sinh viên năm thứ hai: Liệu các bạn đã cảm thấy quen và thích với hình thức học online kéo dài này chưa? Không chần chừ, một vài câu trả lời rằng “có” khiến tôi hơi giật mình.

Nhiều sinh viên đã thích nghi và hứng thú với phương thức học online. Nguồn: INT

Việc duy trì học trực tuyến kéo dài, vô hình trung, tạo nên những thói quen mới mà sinh viên không biết đó là tích cực hay tiêu cực. Chẳng hạn, phần nhiều sinh viên không phải dậy quá sớm để chuẩn bị bữa sáng, trang phục và sách vở rồi vượt qua “cửa ải” đường sá, thời tiết cho kịp giờ học. Nhiều bạn sinh viên cũng không phải loay hoay tự túc cơm nước, hoặc phức tạp hơn, là chuyện căn cơ chi tiêu sinh hoạt thường ngày do đang ở quê, không phải lên thành phố ở trọ. Nếu khả năng tự lập là một giá trị, một kết quả đáng khuyến khích của sinh viên thì giờ đây, do được bảo bọc mọi thứ bởi gia đình, sinh viên vẫn tiếp tục duy trì phong cách sống như một học sinh phổ thông “tốt nghiệp muộn”. Các thử thách, bao gồm cả việc phải làm quen và thích nghi dần nhịp điệu sống ở đô thị đầy phức tạp, chưa thể xuất hiện trong khoảng thời gian dài học online từ chính ngôi nhà thân thuộc của mình. Ngồi nhà học online, trong trường hợp này, sẽ khép lại rất nhiều cơ hội chứng tỏ bản thân trưởng thành của người trẻ.

Những tân sinh viên năm học 2021-2022, thậm chí, còn chưa biết thực sự mặt mũi giảng đường, thầy cô và ngôi trường mình theo học. Đỗ đại học từ tháng 8/2021, đa số sinh viên thế hệ 2003 vẫn còn mài đũng quần tại gia. Cho dù các cơ sở giáo dục đại học và giảng viên không ngừng động viên, tìm nhiều cách kết nối để các em được cảm thấy giảng đường gần gũi hơn bao giờ hết thì trong thực tế, các em vẫn chưa thể trải nghiệm đầy đủ và chính xác nhất việc học đại học như thế nào. Sự trễ muộn này, dĩ nhiên, không thể coi là điều bình thường bởi quĩ thời gian học đại học vốn có hạn và cũng khó bù đắp cả kiến thức lẫn kĩ năng một khi đã trôi qua. Nếu tiếp tục kéo dài học online, cơ hội hoàn thiện bản thân của thế hệ sinh viên 2003 chắc chắn có phần gian nan hơn rất nhiều. Chúng ta liên tục nhấn mạnh và cảnh báo một số hệ lụy lâu dài của học sinh tiểu học, học sinh phổ thông khi học online nhưng thiết nghĩ, chính sinh viên đại học cũng không phải là đối tượng thoát được tình cảnh tương tự.

Khi sinh viên bắt đầu cảm thấy “ở nhà là nhất”, chính họ không hề nhận thức rằng đó là một biểu hiện của tâm lí thích an toàn, an nhàn. Không phải di chuyển, không phải lên thư viện, không cần tham gia các hoạt động nhóm/tập thể, họ chấp nhận trạng thái “đóng băng” các ý tưởng và tự bào chữa cho sự trì trệ của mình bằng lí do giãn cách xã hội. Họ cũng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng mạng xã hội và tự trấn an rằng đó là cách để không bị rơi vào trầm cảm hay bí bách đầu óc. Nhưng đáng lo ngại hơn, sinh viên cũng chưa hoặc ít chuẩn bị tinh thần sẵn lòng kết nối, tương tác với bạn bè, với những môi trường công việc mà mình theo đuổi. Sinh viên chuyên ngành báo chí của tôi, dù rất cố gắng, vẫn chẳng thể đa dạng hóa các bài tập thực hành bởi bối cảnh nơi cư trú của mỗi bạn rất khác nhau. Mặt khác, sinh viên còn tìm cách đối phó với qui định chất lượng bài tập, bài thi do giảng viên chủ yếu giám sát, đôn đốc từ xa. Tương tự, khi tham gia thực tập, nhiều sinh viên phải tạm thời lựa chọn công việc thực tập hoàn toàn không gắn với chuyên môn đào tạo. Kết quả thực tập, do vậy, thường được châm chước như một điều kiện tham chiếu để sinh viên tốt nghiệp hơn là yêu cầu bắt buộc khắt khe. Những sinh viên theo ngành du lịch, lữ hành, quản trị khách sạn nhà hàng, dĩ nhiên, càng khó tìm đúng địa chỉ thực tập bởi các công ty, doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ này gần như bị tê liệt trong gần hai năm qua. Đại dịch khiến tất cả phải “thể tất”, “thông cảm” cho nhau và đại học cũng không là ngoại lệ.

Xuất thân từ những vùng miền khác nhau, không phải sinh viên đại học nào cũng có điều kiện học tập lí tưởng. Khi học online, các khoảng cách, chênh lệch về điều kiện kinh tế giữa nhóm sinh viên thành thị và sinh viên nông thôn, miền núi vùng cao càng bộc lộ rõ. Nhiều sinh viên gặp khó khăn cả về máy tính, internet lẫn cơ hội việc làm thêm mà lí ra họ có thể khắc phục phần nào nếu được lên thành phố học. Khi không thể làm thêm, sinh viên phải gánh áp lực tài chính nhất định bởi các khoản học phí hầu như giữ nguyên. Trong khi, ở nhà, họ phải làm nhiều việc nhà hơn, đặc biệt với những gia đình thuần nông. Tình thế trái ngược này hẳn đã bị xem nhẹ mức độ ảnh hưởng cho dù chúng đang phổ biến ở khá nhiều nơi.

Tháng 4/2021, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu xuất hiện trên diện rộng ở Việt Nam, tạp chí Time của Mỹ đã ra số chuyên đề về những tác động của đại dịch đối với học sinh trước ngưỡng cửa đại học. Theo tác giả Katie Reilly, đại dịch đã khiến nhiều học sinh trung học phổ thông Mỹ không thể bước ngay vào đại học vì điều kiện kinh tế gia đình sa sút. Bài báo dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu National Student Clearninghouse cho thấy số học sinh tốt nghiệp trung học ngay lập tức vào đại học ở mùa thu năm 2020 giảm 6,8% so với cùng kì năm trước. Thậm chí, sự sụt giảm còn diễn ra nghiêm trọng hơn, ở mức 11,4%, tại các trường trung học phổ thông thuộc diện “nghèo”. Như thế, đại dịch đã gây hiệu ứng thiệt hại dây chuyền mà trong đó, những người trẻ thuộc diện gia đình nghèo/thu nhập thấp sẽ chịu thêm một số khó khăn lâu dài. Ở Việt Nam, chưa có một điều tra đầy đủ, chính xác về số lượng sinh viên phải gánh khủng hoảng kinh tế gia đình do đại dịch. Nhưng có thể thấy, khi hàng ngàn phụ huynh tạm nghỉ làm, mất việc hoặc chưa thể tìm được việc làm do đại dịch, chắc chắn có rất nhiều sinh viên đang đối mặt với vấn đề tài chính gia đình eo hẹp. Trong điều kiện xã hội “bình thường mới” trở lại, số sinh viên này sẽ mất bao lâu để vơi bớt nỗi lo lắng túng thiếu tiền nong mà gia đình đang lâm vào?

Trở lại với tiết học cuối cùng trong năm 2021, tôi chỉ có thể lưu ý với sinh viên rằng không nên coi trạng thái thích học online là tín hiệu tốt. Ngoài việc chứng tỏ khả năng thích nghi phương thức học mới, tất yếu và còn phát triển đa dạng, sự thích thú học online thực ra đang tích tụ một số sức ì và lực cản trong hành trang đại học của sinh viên. Khi bỗng nhiên vơi hứng thú đến giảng đường, ở nhà học online sẽ khiến đại học vắng lặng hơn bao giờ hết.