Sau hai năm, chiến tranh đã làm trầm trọng thêm sự cô lập học thuật của phương Tây đối với Nga, trong khi đó, Ukraine lại gia tăng hợp tác với phương Tây - và đặc biệt là với Ba Lan, còn Trung Quốc đã trở thành đối tác khoa học lớn nhất của Nga.

Dữ liệu công bố khoa học cho thấy, vào năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua cả Đức và Mỹ để trở thành đối tác lớn nhất của Nga về số lượng bài báo có hợp tác nghiên cứu. Trước chiến tranh, trong tổng số các bài báo được xuất bản, các bài có hợp tác của các nước lớn như Đức và Mỹ với Nga vốn đã giảm sút, nhưng kể từ khi cuộc chiến nổ ra, hợp tác khoa học này đã sụt giảm một cách rõ rệt.

Andrey Kalinichev, Giám đốc nghiên cứu gốc Nga tại IMT Atlantique, một trường đại học công nghệ ở Pháp, và là người điều hànhT-Invariant (một trang web khoa học, của các học giả người Nga nhập cư), cho biết: “Mối quan hệ Nga với Trung Quốc thực sự không phát triển nhiều, chỉ là mối quan hệ với phương Tây đang bị thu hẹp”.

Sự sụp đổ trong hợp tác phương Tây không có gì đáng ngạc nhiên. Kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, các nước châu Âu đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt khoa học chống lại Nga, cũng như hủy bỏ các dự án chính thức. Ví dụ, EU đã xóa các đối tác Nga ra khỏi các dự án thuộc chương trình Horizon Europe.

Các nhà nghiên cứu không bị cấm làm việc chung với tư cách cá nhân, nhưng các lệnh trừng phạt, trong đó có cả việc dừng các chuyến bay trực tiếp, đã khiến việc đi lại giữa Nga và phương Tây trở nên khó khăn và tốn kém lên rất nhiều lần.

Kalinichev cũng cho biết thêm rằng bầu không khí dè chừng ở Nga, khi có thêm các nhà khoa học bị truy tố vì được cho là đã tiết lộ bí mật cho người nước ngoài, cũng là một “sự nản lòng rõ ràng” khi giới khoa học Nga làm việc với phương Tây.

Hệ quả là, giảm hợp tác khoa học, giảm công bố chung giữa khoa học Nga và các nước phương Tây rõ rệt. Nếu giữa những năm 2000, gần 9% tổng số bài viết của tác giả Nga có đồng tác giả người Đức, tỉ lệ công bố chung giữa các nhà khoa học Nga và Mỹ cũng tương đương. Nhưng giờ đây, do chiến tranh tỉ lệ tham gia đó đã giảm hơn một nửa, và có thể còn giảm hơn nữa.

Quy trình xuất bản có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để kết quả cuối cùng của một dự án chung được công bố trên tạp chí. Điều này có nghĩa là nhiều bài báo chung được xuất bản vào năm 2023 có thể là kết quả đầu ra của nghiên cứu được bắt đầu trước cuộc chiến, vì vậy có thể mất nhiều năm để có dữ liệu đầy đủ về tình trạng cô lập khoa học và giảm hợp tác nghiên cứu.

Một chỉ báo nữa cho thấy tình trạng giảm hợp tác nghiên cứu là các học giả đến từ Nga đã gần như vắng bóng trên các diễn đàn, hội nghị học thuật – vốn là nơi duy trì mối quan hệ với các đồng nghiệp nước ngoài, kể từ sau chiến tranh. Vào năm 2021, khoảng 35.000 bài công bố ở các hội nghị khoa học có ít nhất một tác giả ở Nga, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 20.000 vào năm 2022. Đến cuối tháng 11/2023, chỉ có gần 10.600 bài công bố.

Cơ quan vũ trụ Nga và Trung Quốc đã ký hợp tác song phương 2023 – 2027. Ảnh: Tass
Cơ quan vũ trụ Nga và Trung Quốc đã ký hợp tác song phương 2023 – 2027. Ảnh: Tass

Chỉ có hợp tác khoa học Nga - Trung là không thay đổi. Năm 2023, Nga và Trung Quốc xuất bản 3.280 công bố chung, ít hơn không đáng kể so với con số 3.538 công bố được xuất bản vào năm 2022 và nhìn chung là bức tranh hợp tác ổn định.

Alexander Nozik, nhà vật lý tại Viện Vật lý Moscow, cho biết hợp tác với Trung Quốc không thay đổi nhưng vì hiện tại không thể hợp tác với phương Tây nên hợp tác với Trung Quốc sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc như Huawei đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ở Nga, ông nói.

Nozik cho biết, Chính phủ Nga không trực tiếp khuyến khích hoạt động học thuật với Trung Quốc mà thay vào đó cảnh báo các nhà khoa học không nên hợp tác với “các quốc gia không thân thiện” ở phương Tây.

Ông cho biết Viện của mình đang chịu lệnh trừng phạt trực tiếp của Mỹ, mọi hoạt động hợp tác nghiên cứu bị chặn và trường đại học không thể mua phần cứng hoặc phần mềm có liên quan gì tới Mỹ. Ngay cả tài khoản Github cá nhân của Nozik cũng bị chặn.

Khoa học Nga không chỉ đối diện với sự cô lập từ bên ngoài mà còn phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng từ bên trong. Ngân sách dành cho khoa học Nga cũng đang bị siết chặt nên sự sụt giảm trong hợp tác nghiên cứu có thể “là do vấn đề tài chính nữa chứ không chỉ là do hệ tư tưởng”.

Mối hợp tác khoa học của Nga với Ấn Độ, vốn đã phát triển ổn định kể từ đầu thiên niên kỷ, dường như cũng đã đang bị đình trệ vào năm 2023, mặc dù Ấn Độ nhìn chung có lập trường trung lập trong cuộc xung đột.

Hợp tác khoa học của Ukraine gia tăng

Trong khi hợp tác khoa học của Ukraine với Nga rơi tự do kể từ những xung đột trước chiến tranh vài năm, thì kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, bất chấp việc các cơ quan nghiên cứu phải di chuyển, chịu đạn bom phá hủy, thì Ukraine vẫn xuất bản gần 15.000 bài báo vào năm 2023, tăng nhẹ so với năm 2022.

Olga Polotska, Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Ukraine, cho biết hợp tác với các nhà khoa học Nga “hoàn toàn không được khuyến khích ở cả cấp độ mỗi tổ chức và cấp quốc gia”.

Bà nói: “ngay cả hợp tác cá nhân giữa các nhà nghiên cứu với Nga cũng không thể chấp nhận được vì các nhà nghiên cứu Nga là một phần của các tổ chức khoa học của Nga và do đó là một phần của hệ thống mang tư tưởng về cuộc chiến vô cớ chống lại Ukraine”.

Trong khi đó, dữ liệu công bố cho thấy có sự gia tăng rõ ràng trong hợp tác giữa Ukraine với Mỹ và các nước châu Âu kể từ khi chiến tranh bắt đầu - đặc biệt là với Ba Lan, hiện nay là đối tác nghiên cứu quốc tế mạnh nhất của Ukraine.

Polotska cho biết điều này một phần là do trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhiều nhà nghiên cứu, phần lớn là phụ nữ, đã sang Ba Lan và được hợp tác với các trường Đại học Ba Lan.

Ba Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên hỗ trợ đặc biệt cho các nhà nghiên cứu Ukraine. Ngoài ra, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moscow, Chính phủ Ukraine không khuyến khích hay ngăn cản các mối hợp tác khoa học của Ukraine với Trung Quốc. Với việc Trung Quốc đang đổ nguồn lực vào việc thúc đẩy các liên kết hợp tác học thuật toàn cầu, thì “sự hợp tác với Trung Quốc sẽ phát triển một cách tự nhiên”, bà cho biết.

Nguồn: