Với hệ thống quản lý cung - cầu công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp có thể tìm kiếm công nghệ chỉ bằng cách online và nhấp chuột.

Hệ thống có đầy đủ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất như thông tin cơ bản, hiện trạng máy móc, thiết bị và hoạt động sản xuất kinh doanh theo từng năm...

Giúp cung tiếp cận với cầu

Hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về cung - cầu công nghệ, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất... được chính thức khai trương tại sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) tháng 11/2016.

Theo tiến sỹ (TS) Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), Bộ KH&CN, việc phát triển cổng thông tin và phần mềm quản lý này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, một lời giải cho bài toán phát triển thị trường công nghệ và thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ hiện nay.

“Qua hoạt động này, từ chính đòi hỏi của thực tế, doanh nghiệp cung ứng sẽ biết mình phải làm gì để đáp ứng; doanh nghiệp cần công nghệ cũng biết tìm đến đâu để thỏa mãn nhu cầu của mình” - ông Dũng nói.

Khi truy cập địa chỉ www.sati.gov.vn, doanh nghiệp có thể tìm, đăng ký thông tin về nguồn cung, cầu, chuyên gia công nghệ… Toàn bộ hồ sơ thông tin về nguồn cung, nhu cầu công nghệ gắn với cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, viện, trường, thông tin của chuyên gia tư vấn... đều được giới thiệu công khai.

Gian trưng bày của Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ (Sở KH&CN Hà Nội) tại Techdemo 2016. Ảnh: Loan Lê

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, bộ đã hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN và đẩy mạnh xây dựng các định chế trung gian bằng các hình thức như: Sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn; chợ công nghệ, thiết bị (techmart) vùng, quốc gia, quốc tế; techdemo.

“Thị trường công nghệ phát triển sẽ tạo sức đẩy giúp các nhà khoa học đưa kết quả của mình ra thị trường và thị trường cũng có thể nhận được nhiều hơn những kết quả nghiên cứu có giá trị và khả năng ứng dụng cao” - Thứ trưởng nói.

Tiếp tục khảo sát để bổ sung dữ liệu

Theo ông Dũng, SATI sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu về kết nối cung - cầu công nghệ để hoạt động kết nối online phát triển mạnh hơn. SATI cũng sẽ tìm nguồn cung công nghệ từ nước ngoài để bổ sung kho dữ liệu và cơ sở dữ liệu chuyên gia, doanh nghiệp; tăng cường cài đặt phần mềm dữ liệu ở trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các điểm kết nối cung - cầu để hỗ trợ địa phương, giúp việc tìm kiếm nhu cầu công nghệ và khai báo thông tin trở nên thuận tiện hơn.

“Chúng tôi tiếp tục điều tra, khảo sát để nắm rõ nhu cầu đổi mới công nghệ của từng ngành trong khu vực, từ đó tìm nguồn cung sát thực tế hơn để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu công nghệ hãy khai qua hệ thống kết nối cung - cầu online hoặc các kênh liên lạc khác. Khi biết doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ như thế nào, chúng tôi mới có thể đáp ứng tốt hơn “ - ông Dũng nói và cho biết, SATI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp các chuyên gia tư vấn giỏi về kỹ thuật, tài chính, pháp lý để doanh nghiệp tìm kiếm, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với giá thành và thông số phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hiện nay cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ (tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An); 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KH&CN. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 5 năm trước.