Gốc rễ của một nhà khoa học được đào tạo bài bản đã đem lại cho Thủ tướng Đức Angela Merkel cơ hội xây dựng một nền khoa học phát triển với tư duy dựa trên bằng chứng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau 16 năm tại vị và 30 năm hoạt động chính trị của bà, sẽ kết thúc nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử liên bang vào ngày 26/9 tới.

Xuất hiện lần cuối cùng với cương vị Thủ tướng, trong một khán phòng rộng chật kín báo chí trong nước và quốc tế, có cảm giác rằng cả khán phòng đang đồng thời lắng nghe hai con người rất khác nhau cùng tồn tại trong Angela Merkel: một người là chính trị gia Merkel, người không ngại nói lên những thành tựu của mình, người còn lại là nhà khoa học Merkel, người đã trăn trở trước sự thật và theo bản năng, luôn khó tính trước thành tích của con người chính trị trong mình.

Angela Merkel vào năm 1995, khi ấy bà là Bộ trưởng Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân của Liên bang Đức. Ảnh: Ulrich Baumgarten/Getty


Quản trị đất nước từ quan điểm khoa học

Với nền tảng là một nhà hóa học lượng tử (Merkel nhận bằng tiến sĩ Hóa học lượng tử vào năm 1986 tại Học viện Khoa học ở Berlin – Adlershof ở Đông Đức), bà Merkel đã để lại cho nước Đức một di sản nghiên cứu phát triển với tư duy dựa trên bằng chứng.

Trong những năm qua, chính quyền của bà đã củng cố và quốc tế hóa nền khoa học Đức. Mọi chính phủ đều thiếu sót trong việc bảo vệ quyền của người dân, thúc đẩy an ninh và đời sống hạnh phúc, bảo vệ công lý; nhưng bà Merkel đã mang đến lòng trắc ẩn và sự kiên định - một điều bất thường đối với các chính trị gia, ngay cả trong thời điểm COVID-19. Tất cả những điều này khiến bà trở thành một người kỳ lạ, hiếm ai có thể đoán trước được bà sẽ làm gì.

Trong những cuộc phỏng vấn với Nature, các nhà nghiên cứu của Đức kể rằng, bà Merkel - với tư cách là Thủ tướng - vẫn luôn ưu tiên các cuộc gặp thường xuyên với các nhà khoa học và nhà quản lý. Cứ vài tháng một lần, bà lại chủ trì những buổi họp trao đổi về nhiều lĩnh vực khác nhau dưới lăng kính khoa học. Bà đặt ra chương trình nghị sự cho các phiên họp, đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực mới nổi như công nghệ hydro, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Các nhà nghiên thường phải chuẩn bị kỹ lưỡng các bài trình bày của họ trong những buổi họp vì bà Merkel sẽ sẵn sàng đặt ra những câu hỏi mang tính chuyên môn cao. Những cuộc trao đổi về ‘đổi mới sáng tạo’ này chính là tiền đề cho sự ra đời của các sáng kiến như chương trình phát triển máy tính lượng tử và các công nghệ liên quan trị giá 2,4 tỷ USD.

Kề từ năm 2006, chính phủ của Thủ tướng Merkel đã tăng ngân sách cho nghiên cứu và trường đại học lên 3-5% mỗi năm. Mức đầu tư hằng năm cho khoa học liên bang hiện tại là 24 tỷ USD, vượt quá mục tiêu của EU - yêu cầu các nước thành viên phải dành 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển.

Số lượng các học giả quốc tế tại những trường đại học của Đức đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2006, họ chiếm 20% trong tổng số cán bộ giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu ngoài trường đại học. Một ví dụ điển hình là Emmanuelle Charpentier, Giám đốc Viện Sinh học Nhiễm trùng Max Planck ở Berlin - đồng giải thưởng Nobel Hóa học 2020 cho công trình nghiên cứu công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR – Cas9. Charpentier chuyển từ Thụy Điển đến Đức vào năm 2013 để làm việc tại Hiệp hội Helmholtz, và sau đó là Max Planck.

Nước Đức đã thể hiện rõ ràng sức mạnh của mình trong các lĩnh vực truyền thống như hóa học và vật lý, cũng như những lĩnh vực mới hơn như khoa học bền vững. Đây là quốc gia đứng thứ ba trong Chỉ số các ngành Khoa học tự nhiên - xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc về kết quả nghiên cứu trong 82 tạp chí tự nhiên chất lượng cao. Tuy nhiên, nước này sẽ cần phải đi nhanh hơn trong những khía cạnh như bình đẳng giới và thế hệ, nếu không đất nước này sẽ bị tụt hậu trong các lĩnh vực đa ngành, định hướng tương lai.

Những tranh cãi về chính sách khí hậu

Tuy nhiên bên cạnh những khía cạnh kể trên, có một vấn đề quan trọng được xem là “lỗ hổng” trong chính sách khoa học của nước Đức: biến đổi khí hậu. Mặc dù bà Merkel luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với giới nghiên cứu, nhưng quyết định của bà liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của giới khoa học. Đức không phải là nước đi đầu trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Trong quá khứ, bà Merkel thậm chí từng tỏ ra khó chịu trước những cảnh báo về biến đổi khí hậu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Dự án xây dựng đường ống dẫn khí gây tranh cãi của Nga và Đức, Nord Stream 2, thậm chí vừa hoàn thành trong tháng này.

Thêm vào đó, quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân ở Đức vào năm 2022 của Thủ tướng Merkel - ngay sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 - khiến đất nước phải phụ thuộc nhiều hơn vào điện than, dẫn đến mục tiêu khử carbon càng xa tầm với. Vào tháng tư, Tòa án Hiến pháp Liên bang của Đức đã yêu cầu chính phủ giải thích các bước nhằm đạt được mục tiêu khí hậu là cắt giảm 88% lượng khí thải vào năm 2040 và trung hòa khí nhà kính vào năm 2045.

Bà Merkel cho rằng Đức “đã làm rất nhiều” để điều chỉnh nền kinh tế của mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ năng lượng tái tạo của Đức đã tăng từ 10% đến 40%, lượng khí thải giảm xuống 20% trong giai đoạn 1990-2010 và giảm tiếp 20% nữa trong 10 năm sau đó.

Tuy nhiên, người phụ nữ 67 tuổi thừa nhận rằng “những gì Đức đạt được vẫn chưa đủ” khi so mục tiêu của thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 20C với mức thời kỳ Tiền công nghiệp. Dù vậy, theo bà, không chỉ Đức mà cả thế giới đều không đạt được mục tiêu đề ra. “Hoàn cảnh khách quan đòi hỏi chúng ta không thể tiếp tục với tốc độ hiện tại mà phải tăng tốc độ hơn nữa”, bà khẳng định.

Vấn đề khí hậu càng trở nên ‘nóng’ hơn trên bàn nghị sự sau khi trận lũ quét hồi tháng bảy ở miền Tây nước Đức đã gây thiệt hại cho ít nhất 179 người và khiến hạ tầng giao thông và năng lượng ở các vùng của Rhineland-Palatinate và North-Rhine Westphalia rơi vào tình trạng lộn xộn. Bà Merkel cho biết nỗ lực xây dựng lại nhà cửa, đường sắt và đường năng lượng ở vùng lũ lụt sẽ là một công việc đòi hỏi bà phải nỗ lực “cho đến ngày cuối cùng” trên cương vị Thủ tướng của mình.

Nước Đức chắc chắn sẽ thay đổi sau sự ra đi của bà Merkel. Hệ thống bầu cử của Đức khiến chúng ta khó mà có thể dự đoán được ai sẽ là người kế thừa vị trí thủ tướng, nhưng chắc chắn rằng di sản của nhà lãnh đạo khoa học sắp mãn nhiệm của Đức vẫn sẽ còn ở lại.

Theguardian, Nature