Theo một thảo luận đề xuất mới cho Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR), các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn có thể giảm hoặc thay đổi việc sử dụng điện của họ trong một số sự kiện cao điểm mỗi năm để đổi lấy những ưu đãi tài chính khác.

Công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng kiểm tra hệ thống điện và tuyên truyền cách sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: EVN
Công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng kiểm tra hệ thống điện và tuyên truyền cách sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: EVN

Hãy tưởng tượng, vào 14 giờ chiều ngày hôm trước, công ty A đăng ký tham gia Chương trình DR từ trước nhận được thông báo rằng lưới điện sẽ lên đỉnh điểm vào 13-15 giờ ngày mai và liệu khi đó họ có thể dừng sử dụng điện ở các nhà xưởng của mình khi đó không?

Nếu làm được, đây sẽ là lần thứ năm trong năm công ty tham gia vào sự kiện cắt giảm đỉnh và nhận chiết khấu 20% khi sử dụng điện trong những giờ bình thường và thấp điểm. Ngược lại, nếu họ chỉ cắt giảm được một phần công suất và buộc phải tiêu thụ điện trong thời điểm “nóng” đó thì công ty buộc phải trả một mức giá cao gấp 7 lần so với giá cao điểm thông thường, mặc dù vẫn được hưởng chiết khấu.

Tính đi tính lại, hóa đơn tiền điện của công ty vẫn giảm được 7-13%. Mỗi tháng, công ty A phải chi trả hơn 600 triệu đồng tiền điện nên con số tiết kiệm được là khá lớn. Do vậy, họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu để duy trì quyền tham gia vào Chương trình DR tiếp theo.

Đó là tóm tắt cơ bản về cách hoạt động của biểu giá công suất cực đại tới hạn (Critical Peak Pricing - CPP) mà các chuyên gia tư vấn năng lượng của GIZ (Đức) vừa đề suất với Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) vào cuối tháng 6/2022. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra khung lý thuyết, các ước tính mẫu sơ bộ và kinh nghiệm quốc tế để góp phần lấp đầy mảnh ghép còn thiếu trong các chương trình DR đang được triển khai: cơ chế ưu đãi tài chính.

Từ trước đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều chương trình điều tiết phụ tải thông qua các sự kiện tương tự vào các năm 2015, 2017 và 2019. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có những chương trình DR phi thương mại được triển khai, nghĩa là khách hàng không có nhiều ràng buộc và lợi ích trực tiếp về tài chính khi tham gia. Chính vì thế, khi công ty điện lực thông báo sự kiện DR, một số bên không tỏ ra mặn mà, thậm chí từ chối tham gia với lý do “ngại” thay đổi, điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

“Điều này cũng dễ hiểu, vì cắt giảm phụ tải có thể gây ra những thiệt hại kinh tế cho khách hàng”, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh của EVN chia sẻ. “Nhiều doanh nghiệp đều nhận lời tham gia lần đầu vì cả nể hoặc vì là khách hàng lâu năm với công ty điện lực, nhưng rất khó để mời họ tham gia vào những chương trình, sự kiện tiếp theo nếu không có một chế tài mang lại lợi ích cụ thể hơn”.

Thống kê cho thấy, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%, điện cho kinh doanh chỉ chiếm 9% và điện cho nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 2%.

Trái với giá điện sinh hoạt càng dùng nhiều càng cao, giá điện cho khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại phụ thuộc vào thời điểm sử dụng. Một trong những biện pháp điều chỉnh phụ tải quen thuộc là khiến giá năng lượng sẽ rẻ hơn trong thời gian nhu cầu thấp, ví dụ như ban đêm hoặc ngoài giờ cao điểm. Nhưng những gì mà ERAV và GIZ đang thảo luận là một hình thức mới: “Trả tiền” cho một số công ty để làm chậm nhà máy của họ, hoặc thậm chí tạm dừng chúng, để không tiêu thụ điện, từ đó giúp cho những người tiêu thụ điện khác duy trì được bóng đèn và nhà xưởng của mình.

Dĩ nhiên, đây không phải là hình thức “trả tiền” bằng tiền mặt trực tiếp, mà bằng các cơ chế chiết khấu giá theo biểu giá CPP – một loại biểu giá cho phép cộng/trừ một khoảng chi phí tăng thêm vào khoảng thời gian trong ngày mà nó được sử dụng. Vì những cơ chế tài chính dựa trên giá điện này chỉ liên quan đến hóa đơn với riêng EVN nên chúng ít gặp rào cản hơn so với những cơ chế tài chính dựa trên ưu đãi.
Đề suất mô hình biểu giá công suất cực đại tới hạn CPP
Đề suất mô hình biểu giá công suất cực đại tới hạn CPP

“Chi phí để triển khai một chương trình DR, theo đó, sẽ là chi phí tránh được của EVN khi đối phó với một sự kiện nhu cầu điện lên tới cực đại,” TS. William Derbyshire, Giám đốc Hiệp hội Tư vấn Kinh tế (ECA) tại khu vực châu Á và là thành viên của nhóm nghiên cứu biểu giá CPP tại GIZ, cho biết. Trong ngắn hạn, nó sẽ là khoản tiết kiệm về chi phí mua nhiên liệu (than, dầu) hoặc điện từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phụ tải bất thường, và trong dài hạn sẽ là những chi phí tiết kiệm được khi không phải đầu tư vào những nhà máy phát điện dự phòng mới chỉ dùng 1-2 lần trong năm, hoặc tránh được tình huống tệ nhất là sa thải phụ tải dẫn đến nguy cơ mất điện trên diện rộng.

Ở Việt Nam, các chương trình DR còn khá mới lạ nhưng thực tế, chúng đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới với các hình thức linh hoạt. Tại Tây Ban Nha và Anh, khách hàng muốn “được” cắt điện thậm chí phải tham gia…đấu thầu. Chính quyền sẽ đưa ra thông báo về mức tiết giảm công suất mà họ cần trên thị trường, sau đó những khách hàng có khả năng đáp ứng được mức cắt giảm này, có “chào giá” hấp dẫn sẽ được lựa chọn tham gia chương trình DR với công ty điện lực theo hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc cắt giảm tiêu thụ điện của hợp đồng, khách hàng sẽ nhận được số tiền hỗ trợ nhất định. Nếu không giảm được, trong lần vi phạm đầu, họ có thể bị phạt lên tới 120-150% hợp đồng và trong lần vi phạm thứ hai hoặc thứ ba, có thể bị hạn chế hoặc cấm không được tham gia đấu thầu DR tiếp theo.

Mỹ, Singapore và Hàn Quốc còn tiến xa hơn khi biến việc tiết giảm phụ tải thành các nhà máy điện ảo giao dịch liên tục trên thị trường thay vì chỉ giải quyết các sự kiện ngắn hạn. Họ khuyến khích phát triển một loạt đơn vị trung gian - các công ty tổng hợp dịch vụ điều chỉnh phụ tải (Aggregator) - để chuyên môn hóa dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Những công ty này sẽ làm việc với các doanh nghiệp, tòa nhà thương mại có hệ thống pin lưu trữ và năng lượng mặt trời, hộ gia đình, xe điện, thiết bị thông minh,... để tập hợp nhu cầu của khách hàng thành các danh mục đầu tư nhất định với công suất đôi khi sánh ngang một trạm phát điện truyền thống. Khi cần điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, Tổng công ty điện lực và các cơ quan chức năng có thể chọn các “gói thầu” có giá hấp dẫn trên thị trường DR từ họ, thay vì phải huy động các nguồn phát điện giá cao.

Khuyến khích cao để tham gia

Trong một khảo sát nhỏ với các cơ sở thương mại và công nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM vào năm ngoái để xem xét tiềm năng giảm phụ tải đỉnh trong các sự kiện CPP, nhóm nghiên cứu của GIZ nhận thấy khu vực công nghiệp chỉ có thể ngắt khoảng 7% phụ tải nếu sự kiện kéo dài hai giờ, nhưng có thể ngắt tới 96% trong một giờ. Trong khi đó, khu vực thương mại dễ giảm hơn – tới 90% công suất, chủ yếu từ điều hòa không khí. Tuy nhiên mức đóng góp của khu vực này lại nhỏ hơn rất nhiều so với công nghiệp.

Vì một số đã từng tham gia các chương trình DR tự nguyện nên họ cũng dễ chấp nhận ý tưởng về biểu giá CPP hơn, nhưng đa số họ vẫn lưỡng lự với việc đặt tay ký bút vào một thỏa thuận cam kết. Khách hàng thương mại thường tỏ ra sẵn sàng hơn khách hàng công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn những người sẵn sàng này đều yêu cầu mức rủi ro thấp (bội số CPP thấp) và mức lợi ích cao hơn (chiết khấu cao).

“Điều này đặt ra những nhu cầu cân đối các nhóm cơ chế ưu đãi để vừa khuyến khích tham gia Chương trình DR vừa bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan”, TS. Derbyshire giải thích. Chẳng hạn, khi đưa ra con số chiết khấu hóa đơn 20% nếu hoàn toàn không sử dụng điện trong sự kiện, ông lý giải rằng đây là con số cận trên, cao hơn trung bình quốc tế và có tính đến yêu cầu của doanh nghiệp trong nước “bởi khách hàng Việt Nam nói chung đang không quen hoặc không muốn tham gia chương trình nên cần phải đưa ra mức khuyến khích cao hơn”.

Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng những mức giá tính toán này "chưa phải kết luận cuối cùng” và “cần thảo luận thêm” vì điều quan trọng mà đơn vị tư vấn đưa ra không phải là những con số mà là “một thiết kế chương trình CPP và mô hình phù hợp với Việt Nam” nhằm thuyết phục Bộ Công thương mở đường cho một chính sách mới. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền có thể tự thu thập dữ liệu chất lượng cao hơn ở những khu vực mà họ nghĩ rằng trọng điểm, từ đó bố trí và cập nhật mức giá theo tình hình thực tế của mình.

ERAV nói rằng họ sẽ tính toán lại dựa trên mô hình và lý thuyết của GIZ, đồng thời sớm đề suất phương án lên Bộ Công thương về biểu giá CPP và làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế trả tiền trực tiếp. Trong khi đó các đại diện của EVN và EVN địa phương cho biết họ “đã sẵn sàng mọi thứ, chỉ cần cơ chế đưa ra để dùng.”


Những ngành nào có khả năng điều chỉnh phụ tải cao?

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, các sự kiện CPP có thể giúp giảm 5% phụ tải thương mại và 9% phụ tải công nghiệp. Một số lĩnh vực có mức điều chỉnh khác nhau như:
Các ngành có thể điều chỉnh phụ tải