Mặc dù quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã được đề cập từ rất sớm ở Việt Nam, trong các văn bản quy định pháp luật, các hướng dẫn cụ thể nhưng việc áp dụng mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi.

Các cơ chế quản lý rủi ro trong khoa học

Khái niệm rủi ro thường gắn liền với những tổn thất tiềm tàng trong tương lai, có thể dự đoán dựa trên những dữ liệu thu được từ quá khứ hoặc được quy đổi dựa trên các dự án tương tự.

Tuy nhiên, các rủi ro trong nghiên cứu khoa học có sự khác biệt nhất định, đó là khó có thể xác định trước khi dự án được thực hiện, không thể dự đoán và không thể quy đổi trực tiếp dựa trên những dữ liệu quá khứ hay các dự án tương tự.

Rủi ro trong nghiên cứu khoa học có thể xuất phát từ những vấn đề liên quan đến sự không chắc chắn về giá trị của kết quả nghiên cứu; những thiếu hụt về thời gian hoặc nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu; sự sai lệch kết quả có hệ thống, những kết quả nghiên cứu không lường trước được hoặc một sai sót ngẫu nhiên.

Mặc dù không tạo nên tổn thất trực tiếp mà chỉ không thúc đẩy hoặc thúc đẩy không đáng kể sự phát triển của tri thức nhân loại, rủi ro trong nghiên cứu khoa học có thể mang đến những thiệt hại về mặt kinh tế cho nhà khoa học, đơn vị chủ quản và nhà tài trợ. Khi nghiên cứu thất bại, nhà khoa học phải chấp nhận mất toàn bộ thời gian thực hiện nghiên cứu hay còn được gọi là chi phí cơ hội. Đối với đơn vị chủ quản và nhà tài trợ, thiệt hại đến từ những chi phí bỏ ra đầu tư cơ sở vật chất, nguyên vật liệu cũng như những chi phí phát sinh khác trong hoạt động nghiên cứu. Những chi phí này có thể coi là “chi phí tham gia”, hay những chi phí mà đơn vị chủ quản và nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra để thu lại lợi ích từ kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong bối cảnh đó, các nguồn tài trợ tư nhân thường có xu thế tránh đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro cao. Và đầu tư công trở thành nguồn đầu tư chính cho các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao nhưng có khả năng mang lại những kết quả đột phá theo nghĩa định hình lại thị trường, tạo ra các thị trường mới và là động lực lâu dài cho sự phát triển của KH&CN. Với ý nghĩa đặc biệt của mình, các nghiên cứu có tính rủi ro cao đòi hỏi các cơ chế tài trợ khác với các cơ chế quản lý khoa học thông thường. Tài trợ công cho hoạt động nghiên cứu KH&CN khi đó cần đóng vai trò không chỉ đảm bảo hiệu quả đầu tư mà còn khuyến khích và tạo cơ hội để các nhà khoa học triển khai các nghiên cứu khoa học mang tính đột phá. Kiểm soát rủi ro trong đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt với nguồn ngân sách từ nhà nước, là cần thiết để đáp ứng được những yêu cầu này. Thực tế đã xuất hiện nhiều cơ chế kiểm soát rủi ro trong đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học, phụ thuộc vào đối tượng áp dụng.

Một trong những cơ chế phổ biến nhất là đánh giá mức độ rủi ro trong giai đoạn phê duyệt đề tài thông qua đánh giá ngang hàng hay bình duyệt (peer review). Các đề xuất nghiên cứu sẽ được một hội đồng các nhà khoa học có chuyên môn đánh giá mức độ rủi ro, tính khả thi và tác động tiềm tàng của dự án nếu dự án thành công, dựa trên các tiêu chí do nhà tài trợ quy định. Tuy nhiên, cơ chế này đang gặp những quan ngại về tính hiệu quả và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, các hội đồng có xu hướng tập trung vào những nghiên cứu ít rủi ro, và cũng thường có tác động trong ngắn hạn hơn là có tính đột phá. Ngoài ra, các đánh giá ngang hàng có thể chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm cá nhân của người đánh giá.

Tại Mỹ, ARPA (Advanced Research Projects Agency) - cơ chế đầu tư cho các nghiên cứu có tính rủi ro cao được thiết lập từ năm 1958 nhằm phục vụ mục tiêu khám phá không gian và mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu khoa học khác vào đầu thế kỉ 20. Theo đó, các nghiên cứu có tính tiên phong và rủi ro cao được quản lý theo mô hình tổ chức linh hoạt và trao quyền tự chủ cho nhà nghiên cứu. Trong lĩnh vực năng lượng, các nghiên cứu tham gia cơ chế này (gọi là ARPA- E) được phép có những rủi ro đáng kể, miễn là có tiềm năng mang lại những kết quả đáp ứng yêu cầu về chi phí và quy mô sản phẩm trong tương lai cho mục đích tiêu dùng và sản xuất công nghiệp. Cơ chế này bao gồm một thành viên của quỹ đầu tư tham gia vào dự án với vai trò là người quản lý rủi ro. Không chỉ lựa chọn dự án, đàm phán trước khi dự án đi vào triển khai, người này còn duy trì sự giám sát và tham gia chặt chẽ với nhà khoa học trong suốt quá trình thực hiện dự án, cập nhật tiến độ và các phản hồi có liên quan đến cơ quan đầu tư ngân sách. Quan trọng nhất, người quản lý rủi ro được trao quyền đàm phán lại thời hạn đầu tư, ngân sách, hủy bỏ, duy trì hay mở rộng dự án dựa trên đánh giá của họ về triển vọng của dự án. Qua đó, cơ quan đầu tư sẽ hạn chế rủi ro bằng cách hủy bỏ hoặc rút ngắn thời gian của các dự án có hiệu suất kém.

Một cơ chế kiểm soát rủi ro khác có thể kể đến là xây dựng các chỉ số và tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu của dự án. Năm 2013, các nhà khoa học Mỹ đã giới thiệu mô hình đánh giá mức độ hiệu quả của các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ viễn thông (ICT). Theo đó, các dự án nghiên cứu ICT có thể được đánh giá dựa trên ba phương diện: (1) hiệu quả hoạt động (được nhận biết thông qua đánh giá kỹ thuật); (2) phân tích chi phí lợi ích (thông qua đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án); và (3) đánh giá của người dùng (thông qua đánh giá tác động của kết quả nghiên cứu). Những kết quả này có thể được sử dụng trong quá trình đầu tư và quản lý rủi ro theo từng giai đoạn của dự án.

Ngoài ra, cơ chế quản lý rủi ro có thể bao gồm tài trợ dựa trên những mục tiêu có sẵn hay đặt hàng nghiên cứu. Trong giải pháp này, tài trợ sẽ được cấp cho các nhóm nghiên cứu khác nhau nhằm thực hiện nghiên cứu theo các tiếp cận khác nhau, giúp so sánh hiệu quả của các tiếp cận cũng như khả năng thành công của nghiên cứu trong quá trình thực hiện, giảm thiểu rủi ro do quá trình thực hiện nghiên cứu diễn ra độc lập giữa các nhóm nghiên cứu.

Một giải pháp nữa là tạo nguồn tài trợ riêng cho các nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro cao, được sử dụng trong giai đoạn tiền nghiên cứu, đánh giá mức độ khả thi hoặc thu thập và xử lý dữ liệu. Các nghiên cứu có tính rủi ro cao có thể nhận tài trợ toàn phần, hay nói cách khác là có một khoản tài trợ cố định mà không bị ràng buộc và cam kết nào về kết quả nghiên cứu mà chỉ cần đảm bảo hoạt động nghiên cứu ở mức nhất định. Cũng có thể dùng nguồn tài trợ riêng cho các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao để hỗ trợ các nghiên cứu đã hết tài trợ nhưng vẫn chưa hoàn thiện và đang trong giai đoạn tìm kiếm nguồn tài trợ mới. Giải pháp này giúp giải quyết các rào cản về nguồn lực hỗ trợ các nghiên cứu mang tính rủi ro cao trong giai đoạn tiền nghiên cứu và thúc đẩy nhà khoa học chấp nhận dấn thân. Tuy nhiên nó được cho là không đảm bảo tính hiệu quả, dễ gây lãng phí trong tài trợ.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến giải pháp kéo dài thời gian tài trợ nghiên cứu. Các khoản tài trợ cho các nghiên cứu có tính rủi ro cao sẽ được kéo dài đến bảy năm - thay vì hai, ba năm - với mục tiêu thu được những kết quả đột phá về dài hạn. Những nghiên cứu này không bị cắt tài trợ do những thất bại trong giai đoạn đầu.

Bước sơ khởi

Tập đoàn PVN đang nỗ lực thực hiện các dự án thăm dò và khai thác dầu khí hiệu quả.
Tập đoàn PVN đang nỗ lực thực hiện các dự án thăm dò và khai thác dầu khí hiệu quả. Ảnh: INT

Trên thực tế, các chính sách về KH&CN của nước ta đã đề cập đến quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có quy định về quy trình cấp kinh phí cho những nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro và ưu đãi cho nhà khoa học trong nghiên cứu.

Cụ thể, các nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao sẽ được thực hiện theo cơ chế khoán chi từng phần. Người tham gia các hoạt động KH&CN có tính rủi ro cao sẽ “được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học” và cũng quy định cơ chế tài chính mới với những hoạt động nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao (khoán chi từng phần).

Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng ban hành năm 2022 đã xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò đột phá, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Nhà nước đóng vai trò “định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi” để hệ thống đổi mới sáng tạo có thể hoạt động hiệu quả. Nghị quyết cũng tiếp tục nhấn mạnh khuyến khích phát triển KH&CN cần đổi mới tư duy quản lý nhiệm vụ KH&CN trong đó “chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động KH&CN” hay “hình thành một số chương trình KH&CN quốc gia lớn”, “nhằm giải quyết những vấn đề đặc biệt quan trọng trong dài hạn để phát triển đất nước”, cho thấy sự nhất quán trong chính sách phát triển KH&CN của Việt Nam.

Không chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học đã được lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh xuyên suốt những năm vừa qua.

Năm 2015, Bộ trưởng bộ KH&CN Nguyễn Quân trong buổi phỏng vấn với báo VietnamPlus, đã trả lời “làm khoa học là phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm”.

Đến 2018, quan điểm này lại được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhắc lại trong buổi chất tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22. Theo ông, các đề tài nghiên cứu có đặc thù là có độ trễ, rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích.

Phát biểu trong buổi giải trình trước Quốc hội ngày 31/10/2022, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh, “Trong nghiên cứu KH&CN, không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công”. Tiếp theo đó, tại Hội nghị thường niên phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực tại TPHCM ngày 24/12/2022, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp tục nhấn mạnh, các chính sách KH&CN đang hướng tới “xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động KH&CN”.

Viettel đã có đột phá về công nghệ phát triển mạng 5G. Ảnh: Viettel
Viettel đã có đột phá về công nghệ phát triển mạng 5G. Ảnh: Viettel

Quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã được đề cập từ rất sớm trong các văn bản quy định pháp luật và thực tiễn, nhưng vẫn còn vắng bóng các hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, Thông tư 07/2014 hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao. Tương tự, các thông tư khác cũng chưa có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học như Thông tư 09/2014 về quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hay Thông tư 08/2017 về tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

Mặc dù vậy, các cơ chế quản lý rủi ro đã được áp dụng trong thực tiễn trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam theo các cách khác nhau. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 quy định cơ chế các hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước tài trợ thông qua các cơ chế chính là (i) đặt hàng và (ii) đầu tư đặc biệt, trong đó hình thức đầu tư đặc biệt chỉ được sử dụng cho các hoạt động “quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia” (Khoản 1, Điều 54). Cơ chế tuyển chọn được thực hiện theo hình thức: kêu gọi công khai trên các cổng thông tin điện tử về các thông tin liên quan đến quá trình tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN. Hội đồng chuyên môn xét duyệt ngang hàng được thành lập nhằm thực hiện đánh giá tính khả thi, tác động và đánh giá rủi ro các đề xuất nhiệm vụ KH&CN được đề xuất. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, cơ chế xét duyệt ngang hàng có hạn chế khi không khuyến khích các hoạt động nghiên cứu mang tính rủi ro cao. Chưa kể, các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt như phục vụ an ninh, quốc phòng, các nhiệm vụ KH&CN đột xuất chỉ có thể được thực hiện bởi một tổ chức khoa học nhất định sẽ được nhà nước giao khoán trực tiếp.

Ngoài ra, các quỹ tài trợ KH&CN cũng có cơ chế tài trợ, cho vay hay bảo lãnh vốn đối với các nhiệm vụ KH&CN do bản thân các nhà khoa học đề xuất. Một ví dụ là sự ra đời và vận hành Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia NAFOSTED với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học “có triển vọng nhưng có tính rủi ro cao”. Năm 2012, NAFOSTED đã ban hành quy chế riêng cho các nhiệm vụ KH&CN như vậy, qua đó hỗ trợ cơ chế đầu tư cho những nhiệm vụ KH&CN yêu cầu nguồn đầu tư lớn và thời gian dài mà các quy định trước kia chưa có cơ chế quản lý phù hợp.

Có thể thấy, vấn đề quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã bước đầu được đề cập trong các văn bản pháp luật liên quan nhưng nội dung vẫn mờ nhạt và chưa có một quy trình cụ thể để áp dụng trong thực tế.

Tài liệu tham khảo:

ARPA-E. (2015). ARPA-E eXCHANGE: Funding Opportunity Exchange. https://arpa-e-foa.energy.gov/Default.aspx?foaId=c039dfd3-ae21-47e7-801c-fd13b2bf18ad

Azoulay, P., Fuchs, E., Goldstein, A. P., & Kearney, M. (2019). Funding Breakthrough Research: Promises and Challenges of the “ARPA Model.” Innovation Policy and the Economy, 19, 69–96. https://doi.org/10.1086/699933

Capponi, G., Martinelli, A., & Nuvolari, A. (2022). Breakthrough innovations and where to find them. Research Policy, 51(1), 104376. https://doi.org/10.1016/j.respol.2021.104376

Franzoni, C., & Stephan, P. (2023). Uncertainty and risk-taking in science: Meaning, measurement and management in peer review of research proposals. Research Policy, 52(3), 104706. https://doi.org/10.1016/j.respol.2022.104706

Gallo, S., Thompson, L., Schmaling, K., & Glisson, S. (2018). Risk evaluation in peer review of grant applications. Environment Systems and Decisions, 38(2), 216–229. https://doi.org/10.1007/s10669-018-9677-6

Goldstein, A. P., & Kearney, M. (2020). Know when to fold ‘em: An empirical description of risk management in public research funding. Research Policy, 49(1), 103873.

Heinze, T. (2008). How to sponsor ground-breaking research: A comparison of funding schemes. Science and Public Policy, 35(5), 302–318.

Khan, Z., Ludlow, D., & Rix, J. (2013). Applying the criteria indicators and metrics evaluation method on ICT research: The HUMBOLDT project. Research Evaluation, 22(1), 30–40. https://doi.org/10.1093/reseval/rvs037

Laudel, G. (2017). How do National Career Systems Promote or Hinder the Emergence of New Research Lines? Minerva, 55(3), 341–369. https://doi.org/10.1007/s11024-017-9314-4
Laudel, G., & Gläser, J. (2014). Beyond breakthrough research: Epistemic properties of research and their consequences for research funding. Research Policy, 43(7), 1204–1216. https://doi.org/10.1016/j.respol.2014.02.006

Linton, J. D. (2016). Improving the Peer review process: Capturing more information and enabling high-risk/high-return research. Research Policy, 45(9), 1936–1938. https://doi.org/10.1016/j.respol.2016.07.004


Vasvári, T. (2015). Risk, Risk Perception, Risk Management – a Review of the Literature. Public Finance Quarterly, 60(1), 29–48. https://ideas.repec.org/a/pfq/journl/v60y2015i1p29-48.html

Wang, J., Lee, Y.-N., & Walsh, J. P. (2018). Funding model and creativity in science: Competitive versus block funding and status contingency effects. Research Policy, 47(6), 1070–1083. https://doi.org/10.1016/j.respol.2018.03.014