Nguồn ngân sách trị giá 94,1 tỷ euro dành cho Horizon châu Âu chịu áp lực nghiêm trọng do sự bế tắc trong thỏa thuận giữa Chính phủ các nước về kế hoạch tài chính dài hạn của EU giai đoạn 2021 - 2027.

Các trung tâm nghiên cứu ở các nước nghèo hơn trong EU có nguy cơ bị giảm kinh phí nhận được từ Horizon châu Âu. Trong ảnh: Cán bộ nghiên cứu trong Trung tâm Kính chức năng và Chức năng bề mặt (FunGLASS), có trụ sở tại Đại học Trenčín, Slovakia, đã nhận tài trợ của Horizon châu Âu 2020.
Các trung tâm nghiên cứu ở các nước nghèo hơn trong EU có nguy cơ bị giảm kinh phí nhận được từ Horizon châu Âu. Trong ảnh: Cán bộ nghiên cứu trong Trung tâm Kính chức năng và Chức năng bề mặt (FunGLASS), có trụ sở tại Đại học Trenčín, Slovakia, đã nhận tài trợ của Horizon châu Âu 2020.

Bà Mariya Gabriel mới được bổ nhiệm làm Ủy viên phụ trách Nghiên cứu của Hội đồng châu Âu đã phải chịu áp lực cắt giảm ngân sách cho chương trình Horizon châu Âu do Ủy ban này đề xuất. Theo ông Robert-Jan Smits, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Eindhoven và cũng là cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, uy tín của Ủy ban và cả của Ủy viên Gabriel, đang đứng trước nguy cơ bị giảm sút. “Dù bạn có bao nhiêu sáng kiến chính sách ​​hay ho đi nữa, suy cho cùng, uy tín của bạn phụ thuộc vào số tiền mà bạn có thể xin được. Chấm hết”.

Robert-Jan Smits tin rằng sự gắn kết chặt chẽ giữa Gabriel và các nhân vật chủ chốt trong Nghị viện, đặc biệt là Christian Ehler báo cáo viên của Horizon châu Âu, có thể giành được sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu. “Nếu bà Gabriel nhận được hỗ trợ tuyệt đối từ Ehler và một vài nhân vật có tiếng nói khác trong Nghị viện châu Âu, tôi nghĩ rằng bà ấy thậm chí có thể duy trì phần lớn ngân sách,” Smits nói.

“Điều này đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức vào Nghị viện châu Âu, đầu tư vào những người ở đó,” ông nói. “Đó là lợi thế lớn nhất mà bà Gabriel có, bởi vì bà ấy từng làm việc ở Nghị viện châu Âu, đó là sân nhà của bà ấy.” Gabriel, người Bulgaria theo Đảng Bảo thủ, cũng từng là thành viên của Nghị viện châu Âu từ năm 2009 đến 2017, khi đó bà là Ủy viên phụ trách Kinh tế số.

Không đạt được đồng thuận

EU sẽ gặp phải vấn đề tài chính khi Vương quốc Anh rời đi, và năm quốc gia khác đang đóng góp nhiều hơn là thu lại từ ngân sách chung của EU - Đức, Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch - muốn một ngân sách ít hơn nhiều so với dự thảo ngân sách của Ủy ban cho năm 2021 - 2027. Những người ủng hộ cắt giảm ngân sách muốn giới hạn tổng chi tiêu của EU hậu Brexit ở mức một phần trăm trong tổng thu nhập quốc gia của EU. Vào năm 2013, khi Brexit chưa phải là một vấn đề quan trọng, các nước EU đã đồng ý giới hạn ở mức một phần trăm cho giai đoạn 2014 - 2020.

Tuy nhiên đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa đề cập đến việc cắt giảm sẽ diễn ra ở những lĩnh vực nào. Các quan chức Đức trao đổi với tạp chí Science rằng, Đức muốn thấy một “sự cân bằng hợp lý”, giữa các khoản trợ cấp nông nghiệp, các quỹ liên kết cho các khu vực nghèo hơn và các ưu tiên khác như nghiên cứu nhưng cũng không đưa ra chi tiết cụ thể. Tương tự, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết, một phần trăm “cho phép một mức tài chính phù hợp” cho “các chính sách truyền thống”, như nông nghiệp và quỹ gắn kết, cũng như các “ưu tiên mới” như nghiên cứu, sự di cư, an ninh và biến đổi khí hậu, những lĩnh vực cần được “phản ánh một cách tương xứng” trong ngân sách mới. Robert-Jan Smits cho biết những người thúc đẩy kế hoạch ngân sách một phần trăm có thể sẵn sàng cắt giảm chương trình Horizon châu Âu để đạt được mục đích, dù cho đó là những quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ chương trình nghiên cứu. Đối với Chính phủ Hà Lan, mục tiêu duy nhất là có được một ngân sách nhỏ hơn cho EU, ngay cả khi điều này có nghĩa là cắt giảm ngân sách nghiên cứu một cách bất hợp lý,” theo ông Smits, ông cũng là một người Hà Lan.

Nhưng những quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn là đóng góp vào ngân sách EU thì không hài lòng. Chính phủ ở các nước Đông Âu không muốn các quỹ liên kết nghiên cứu bị cắt giảm.

Tuy nhiên, việc cắt giảm các ưu tiên ngân sách khác có thể khó hơn so với việc cắt giảm chương trình nghiên cứu. Smits cho biết, việc tăng số tiền bị cắt giảm của các quỹ liên kết để bảo vệ số tiền dành cho nghiên cứu, “thậm chí không được thảo luận” với các quốc gia nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary. Trong đó, nông nghiệp cũng là một yếu tố bất khả xâm phạm, vì đề xuất hiện tại cho chương trình Horizon châu Âu đã bao gồm 10 tỷ euro được chuyển từ Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) cho nghiên cứu nông nghiệp. Smits cho biết việc chuyển nhiều tiền hơn từ CAP sang nghiên cứu sẽ “cực kỳ khó khăn”.

Ông cũng cho biết thêm rằng, “tình hình sẽ thay đổi đáng kể” nếu Pháp thay đổi lập trường của mình về nông nghiệp. Pháp có một bản thành tích “vẻ vang” trong quá khứ về việc bảo vệ quyết liệt các khoản trợ cấp nông nghiệp lớn từ EU, và không giống như các quốc gia cũng đóng góp nhiều hơn là thu lại từ các quỹ của EU, Pháp hiện không kêu gọi cắt giảm ngân sách.

Vai trò của Pháp và Đức

Một nhà ngoại giao Pháp trao đổi với tạp chí Science rằng, trong khi Pháp muốn chi nhiều tiền hơn vào các khoản thanh toán trực tiếp được cấp cho nông dân, thì “Chúng tôi không đưa ra quan điểm gì về việc cắt giảm ngân sách hay không, bởi vì việc cần ưu tiên là xác định những gì cần làm đối với ngân sách đó,” ông cho biết. “Chúng tôi không muốn ‘cầm đèn chạy trước ô tô’”. Nhưng khi bàn đến quỹ liên kết, các khu vực nghèo hơn của EU “không nên là nạn nhân của việc cắt giảm”.

Theo Smits, “Câu trả lời cho giải pháp bảo toàn ngân sách khoa học của EU phần lớn nằm ở Berlin.” Đức là nền kinh tế lớn nhất EU và cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách chung. Mặc dù quốc gia này ủng hộ tích cực cho việc cắt giảm ngân sách chung, nhưng “Đức luôn đóng vai trò như một quốc gia hòa giải, mong muốn giữ gìn hòa khí chung giữa các quốc gia trong Liên minh,” Smits nói.

Câu hỏi lớn ở đây là, liệu bà Angela Merkel có sẵn sàng thay đổi cục diện trong bối cảnh bà chuẩn bị rời khỏi vị trí của mình vào năm 2021 hay không. “Liệu bà có một lần nữa sẵn sàng đảm nhận vai trò đó và chi trả cho các khoản cần thiết?” Smits nói.

Ủy ban dường như đang mất dần kiên nhẫn với sự bế tắc này và thúc giục các quốc gia thành viên sớm đưa ra quyết định để các chương trình như Horizon châu Âu có thể bắt đầu đúng hạn. “Toàn bộ cuộc tranh luận về ngân sách là về việc nước nào phải trả bao nhiêu và nước nào được nhận được bao nhiêu. Điều này thật sự bức bối,” một quan chức Ủy ban cho biết.

Ủy ban còn ấp ủ tham vọng tạo ra các nguồn doanh thu bên ngoài khoản ngân sách nhận được từ các quốc gia thành viên. Nhưng ngay cả khi tham vọng này trở thành hiện thực, số tiền dành cho chương trình Horizon châu Âu cũng không tăng lên, bởi vì các cuộc đàm phán ngân sách hiện tại sẽ ưu tiên khắc phục các khoản cần chi tiêu trước. Bất kỳ doanh thu bổ sung nào cũng sẽ được khấu trừ từ đóng góp của các quốc gia thành viên sau này, nó sẽ không được thêm vào ngân sách hiện tại.

Vẫn còn có thể hy vọng, Smits nói. “Nhìn lại thời điểm mà chương trình Horizon 2020 được đàm phán, chúng tôi thậm chí còn ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn nhiều,” sau khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu, ông cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể tăng ngân sách nghiên cứu từ 50 tỷ euro lên 80 tỷ euro.”