Một phần thế giới côn trùng phong phú và nhiều màu sắc tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp Việt Nam hiện ra qua ống kính của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Ý và nhà côn trùng học Việt Nam.

Tại Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội, đang diễn ra triển lãm “Khám phá đa dạng côn trùng Việt Nam” gồm 38 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Saulo Bambi (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Đại học Florence, Ý) và PGS.TS Vũ Văn Liên (Bảo tàng Thiên nhiên, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Các bức ảnh khổ lớn 85X85cm hoặc 100X100cm ghi lại quá trình tiến hóa và thích nghi với môi trường sống của các loài côn trùng. Trong đó, các bức ảnh của Saulo Bambi được chụp từ năm 2010 đến nay trong các chuyến đi cùng các nhà côn trùng học Việt Nam đến các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp đất nước; còn các bức ảnh của nhà côn trùng học Vũ Văn Liên được chụp từ cuối những năm 1990 đến gần đây trong các chuyến đi thực địa.

Côn trùng chiếm gần 80% tổng số loài sinh vật trên hành tinh, với hơn 1 triệu loài đã biết. Phần lớn côn trùng có ích hoặc vô hại, chỉ có chưa đến 0,1% thuộc loài gây hại. Theo PGS Vũ Văn Liên, là nước đứng thứ 16 về đa dạng sinh học, Việt Nam có một thế giới côn trùng rất phong phú. “Chưa có thống kê đầy đủ nhưng Việt Nam phải có 10 đến 20 nghìn loài côn trùng và nếu nghiên cứu đầy đủ có thể có đến 100 nghìn loài,” vị PGS, Phó giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên nói.

Tuy nhiên, trong 20 năm đặt chân đến khắp các vườn quốc gia và khu bảo tồn trong nước, ông nhận thấy có nhiều loài côn trùng trước đây phổ biến giờ cũng khó gặp hơn. “Sự suy giảm này là do môi trường thay đổi và các cánh rừng bị thu hẹp. Có những loài như bướm phượng, vốn thường gặp trên các đỉnh núi giờ cũng ít thấy,” ông chia sẻ.

Hiện tượng nhiều loài côn trùng dường như biến mất này có lẽ cũng nằm trong xu hướng toàn cầu. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Úc phát hiện ra rằng 10% các loài côn trùng được biết đến trên toàn cầu đã bị tuyệt chủng. Trong số các loài côn trùng còn lại, 41% đang có xu hướng suy giảm. Trong 30 năm qua, tốc độ suy giảm của tất cả các loài côn trùng vào khoảng 2,5% mỗi năm và nếu tốc độ này không được kìm hãm thì 100 năm nữa thế giới sẽ không còn côn trùng, các nhà khoa học cảnh báo.

Thông qua triển lãm, BTC mong muốn nâng cao hiểu biết của người xem về thế giới côn trùng và môi trường sống của chúng, với hy vọng có thể khuyến khích việc bảo vệ sự đa dạng của côn trùng nói riêng, các loài động và thực vật nói chung, “để thế giới tự nhiên mãi mãi đồng hành với con người” như lời PGS Vũ Văn Liên.

Song song với triển lãm ảnh, tại Bảo tàng Thiên nhiên - đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm - diễn ra hoạt động bổ trợ, giới thiệu cách làm tiêu bản côn trùng, cho phép khách tham quan tự tay làm tiêu bản mẫu bướm.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 18/6/2019.

Dưới đây là một số hình ảnh được trưng bày tại triển lãm:


Côn trùng có sáu chân và thường có hai đôi cánh; nhện, rết và bọ cạp có tám chân và không có cánh, do đó chúng không phải côn trùng. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tháng 6/2010.


Nhờ hình dạng và màu sắc độc đáo, con châu chấu này hoàn toàn hòa lẫn vào rêu trên thân cây. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, tỉnh Hòa Bình, tháng 6/2013.


Không thể thiếu côn trùng trong việc duy trì sự cân bằng tự nhiên của các hệ sinh thái: chúng có thể là con mồi, giống như loài rầy có màu sắc sặc sỡ này, hoặc là những kẻ săn mồi. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Ba Bể, Bắc Kạn, tháng 6/2011.


Con bọ cánh cứng hình lá chắn này bám rất chặt vào một chiếc lá đến nỗi kẻ săn mồi không thể tách nó ra để ăn. Ánh sáng mặt trời phản chiếu con bọ giống như giọt nước. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Tuyên Quang, tháng 6/2013.


Một số côn trùng, như loài châu chấu này, chuyên ẩn nấp trên lá và rất khó nhìn thấy. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, tháng 6/2012.


Một số sâu róm có những sợi lông độc dài giúp chúng tự bảo vệ trước những kẻ săn mồi. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, Yên Bái, tháng 6/2012.


Ngài (bướm đêm) có thể có những hoa văn hình mắt trên đôi cánh nhằm hăm dọa kẻ săn mồi, Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, tháng 6/2010.


Con sâu bướm này trông có vẻ dễ bị tổn thương, nhưng nó có “vũ khí” của riêng mình,
bao gồm phần phụ (sừng) màu đỏ và mắt giả giống như đầu của một con rắn, khiến những kẻ săn mồi sợ hãi. Ảnh: Vũ Văn Liên, Vườn quốc gia Tam Đảo, tháng 6/2008.


Côn trùng thường nhỏ, nhưng chúng cũng có thể đạt đến kích lớn, chẳng hạn như loài ngài (bướm đêm) xinh đẹp và duyên dáng này. Những cái đuôi dài thu hút sự chú ý của kẻ săn mồi khỏi những khu vực dễ bị tổn thương hơn, thà mất một cái đuôi còn hơn mất đầu. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Gia Lai, tháng 5/29016.


Xén tóc là loài côn trùng có thể phát hiện màu sắc và chuyển động với đôi mắt kép lớn
gồm hàng trăm, đôi khi hàng ngàn, các tế bào cảm quang nhỏ bé được gọi là “mắt con”. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Ba Vì, tháng 6/2012.


Đôi chân trước dài mang đến vẻ ngoài rất lạ cho loài đuông dừa đỏ này. Ảnh: Vũ Văn Liên, Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tháng 6/2010.


Ngoài sáu chân ngắn, sâu cũng có các “chân giả" ở phần phụ bụng giúp chúng di chuyển. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, Yên Bái, tháng 5/2015.


Một con ve sầu độc đáo, khác hẳn những con ve sầu cánh trong chúng ta thường thấy. Tiếng ve sầu là một âm thanh đặc trưng trong những khu rừng nhiệt đới. Ve đực có tiếng kêu gọi bạn tình đặc biệt, mà con cái cách xa đến 1,5 km cũng có thể nghe thấy. Ảnh: Saulo Bambi, Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La, Thừa Thiên – Huế, tháng 5/2017.


Đôi khi sâu ngài (bướm đêm) có thể tập hợp thành những đàn lớn; lông độc để bảo vệ chúng khỏi kẻ săn mồi. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An, tháng 6/2018.


Một số sâu bướm tạo ra một loại lồng tơ nhỏ để bảo vệ nhộng trong quá trình chuyển hóa thành một con bướm trưởng thành. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai, tháng 6/2015.


Màu sắc và hình dạng của loài rầy này giúp nó ngụy trang lẫn với màu xanh của rừng. Ảnh: Saulo Bambi, Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, tháng 6/2014.