Các nhà khoa học cảnh báo rằng sự tuyệt chủng hàng loạt của côn trùng trong một thế kỷ tới đang đe dọa sự sụp đổ của các hệ sinh thái tự nhiên. Theo các đánh giá trên toàn cầu, thuốc trừ sâu nông nghiệp, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang xóa sổ các loài côn trùng với tốc độ đáng báo động.

Bướm và bướm đêm là các loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, theo cảnh báo của các nhà khoa học

Việc sử dụng thuốc trừ sâu đang dẫn đến sự suy giảm đáng báo động của các loài côn trùng trên thế giới. Điều này có thể có tác động thảm khốc lên các hệ sinh thái tự nhiên.

Theo một đánh giá khoa học toàn cầu, hơn 40% các loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng trong các thập kỷ tới. Ngoài thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và ô nhiễm cũng là các nguyên nhân.

Số lượng các loài côn trùng đang giảm mạnh đến mức gần như tất cả các loài côn trùng có thể biến mất trong vòng một thế kỷ, nghiên cứu mới cho thấy.

Cần đổi mới triệt để ngành nông nghiệp để có thể phục hồi các quần thể côn trùng và giữ cho các hoạt động trọng yếu của chúng trong hệ sinh thái không biến mất, nhóm đồng tác giả từ các trường đại học Sydney và Queensland cho biết.

Các nhà sinh học từ hai trường đại học đã tiến hành đánh giá 73 báo cáo trong lịch sử về sự suy giảm côn trùng trên toàn thế giới.

Họ phát hiện ra rằng 10% các loài côn trùng được biết đến đã bị tuyệt chủng, trong khi chỉ 1% các loài động vật có xương sống được biết đến đã tuyệt chủng. Trong số các loài côn trùng còn lại, 41% đang có xu hướng suy giảm.

Trong 30 năm qua, tổng số lượng của tất cả các loài côn trùng giảm trung bình 2,5% mỗi năm. Sự suy giảm nghiêm trọng này cho thấy sẽ không còn côn trùng sau 100 năm, Francisco Sanchez-Bayo, nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Đời sống và Môi trường thuộc Đại học Sydney, cảnh báo. "Tỉ lệ suy giảm đang là rất lớn", anh cho biết.

Bướm và bướm đêm là một trong những loài bị ảnh hưởng nặng nhất, cùng với ong và bọ hung. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết một tỷ lệ đáng kể các loài ruồi thủy sinh cũng đã tuyệt chủng.

Đánh giá này đã nêu bốn nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng: mất môi trường sống do nông nghiệp, đô thị hóa, phá rừng; ô nhiễm; các yếu tố sinh học như các loài xâm lấn (những loài động vật, thực vật được du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa và nhanh chóng sinh sôi một cách khó kiểm soát, trở thành một hệ động thực vật đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa) và bệnh tật; biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp được coi là tác nhân chính trong 40% các bài nghiên cứu được xem xét. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cách thức chúng ta sử dụng thuốc trừ sâu đang là một mối đe dọa đặc biệt.

Tiến sĩ Sanchez-Bayo cho biết: "Chúng ta đã làm nông nghiệp hàng ngàn năm và chưa bao giờ thấy những sự suy giảm này. Sự ra đời của các thuốc trừ sâu hệ thống đã có một sự thay đổi lớn trong cách chúng ta làm nông nghiệp ngày nay."

Bài đánh giá được công bố trên tạp chí Biological Conservation cho biết: "Trừ khi chúng ta thay đổi cách sản xuất thức ăn, côn trùng nói chung sẽ đi vào con đường tuyệt chủng trong một vài thập kỷ."

"Việc này sẽ có hậu quả thảm khốc đối với các hệ sinh thái của hành tinh."

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, các quần thể côn trùng đang suy giảm là một bằng chứng nữa về đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu đang diễn ra trong các loài động vật và thực vật trên toàn thế giới.

Một nghiên cứu được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại các trường đại học Aarhus và Gothenbury năm ngoái cũng đã cảnh báo rằng loài người đang giết chết các loài quá nhanh đến nỗi sự tiến hóa và thích nghi của các loài không thể bắt kịp.

Nguồn: