Giống dê lai Saanen - Bách Thảo được Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) nghiên cứu, lai tạo và nuôi thử nghiệm, cho năng suất sữa cao, ổn định, có thể nhân rộng đối với vùng khí hậu như ngoại thành TPHCM.

Tạo giống dê lai F1

Số lượng dê và sản lượng sản xuất của chúng trên thế giới tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam chăn nuôi dê sữa lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến năng suất sữa thấp. Riêng ở TPHCM, nguồn cung ứng luôn trong tình trạng khan hiếm vì Thành phố có số lượng đàn dê nuôi lấy sữa hiện rất ít (chỉ khoảng 1,4 kg sữa/con/ngày).

Với chi phí đầu tư ban đầu thấp cho chăn nuôi dê, việc đẩy mạnh phát triển nuôi dê sữa ở các vùng ven TPHCM là rất khả thi. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người chăn nuôi dê đặt ra hiện nay là, qui trình lai tạo và chăn nuôi dê sữa như thế nào để đạt được năng suất tối ưu, phù hợp với điều kiện ở TPHCM?

Trước thực tế đó, nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu lai tạo dê sữa F1 (Saanen với Bách Thảo) và xây dựng mô hình chăn nuôi dê sữa khu vực TPHCM”.

Cụ thể, dê Bách Thảo được tuyển chọn và mua (ở các huyện thị của tỉnh Ninh Thuận) làm đàn cái nền và dê đực giống Saanen (tại Trung Tâm Dê và Thỏ Sơn Tây). Sau khi cho phối giống giữa dê bố mẹ là Saanen và Bách Thảo, tạo ra con lai 2 máu F1. Trong đó, từ 62 con (2 con đực giống thuần Saanen và 30 con cái Saanen, 30 con cái Bách Thảo), nhóm đã thu 168 con các loại. Giống dê lai F1 được chuyển cho các nông hộ nuôi thí điểm tại huyện Bình Chánh, Cần Giờ, theo phương thức bán thâm canh trong thời gian 10 ngày đầu, chăn thả từ 4 - 6 giờ/ngày. Sau khi thích nghi, dê sẽ được nuôi nhốt hoàn toàn. Khẩu phần thức ăn do Trung tâm nghiên cứu, hoàn thiện công thức cho phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của dê.

Dê lai F1 Saanen - Bách Thảo có chiếc tai cụp dài đặc trưng được di truyền từ dê mẹ Bách Thảo
Dê lai F1 có chiếc tai dài, cụp đặc trưng được di truyền từ dê mẹ Ảnh: NNC

Tỷ lệ nuôi sống dê lai F1 tại mô hình của nông hộ đạt 100% ở giai đoạn 3 đến 7,5 tháng tuổi, với trọng lượng trung bình gần 35kg. Năng suất sữa ở nhóm dê lai F1 sinh trưởng trong mùa khô cao hơn so với nhóm dê Bách Thảo. Sản lượng sữa trung bình khoảng 2 kg/con/ngày, trong khi Bách Thảo là 1,2kg/con/ngày. Số ngày cho sữa cũng cao hơn, ở mức 189 ngày, so với Bách Thảo (149 ngày). Tổng sản lượng sữa ở nhóm dê lai F1 là 382 kg/chu kỳ, cao hơn nhóm dê Bách Thảo (177kg/chu kỳ), nhưng thấp hơn nhóm dê Saanen (453 kg/chu kỳ). Đối với mùa mưa, giống Bách Thảo giảm nhẹ về năng suất sữa so với mùa khô. Trong khi đó, giống dê lai F1 vẫn duy trì năng suất sữa tốt, đạt trung bình là 2,1 kg/con/ngày, số ngày cho sữa là 209 ngày.

Mô hình tiềm năng

Qua điều tra thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hầu hết nông dân hiện còn thiếu kiến thức về việc phối hợp khẩu phần hợp lý cho đàn dê để đạt được năng suất cao. Thức ăn chủ yếu là cám hỗn hợp chiếm đến 60% trong khẩu phần, thành phần còn lại gồm cỏ, rau, xác đậu nành, xác dừa. Điều này cho thấy nông dân chưa biết khai thác và phối hợp các phụ phẩm sẵn có để giảm chi phí cho thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, một vài hộ cho dê ăn cám hỗn hợp, pha loãng với nước, dễ ảnh hưởng đến việc giảm hoạt động của cơ quan tiêu hóa dạ cỏ, tập tính nhai lại trên dê và giảm lượng nước bọt tiết ra để đổ vào môi trường dạ cỏ. Bên cạnh đó, tập tính dê thích những thức ăn có độ ẩm vừa phải, vì vậy các nông hộ cần tránh việc cho những thức ăn quá khô và hạt bụi, rất dễ ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, đây là một trong những nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ viêm phổi trên đàn.

Theo nhóm nghiên cứu, thời tiết ẩm ướt không thích hợp và ảnh hưởng đến năng suất cho sữa của dê. Cụ thể, nhóm dê Saanen thường bị ho, sổ mũi, đau mắt… nhiều hơn so với Bách Thảo và dê lai F1. Điều này cho thấy, dê lai F1 có thể đã nhận được những ưu thế di truyền từ mẹ để thích nghi với những điều kiện thời tiết tại khu vực TPHCM.

m
Mô hình nuôi dê lai ít chi phí và diện tích hơn so với nuôi bò sữa Ảnh: NNC

Theo TS. Lê Thụy Bình Phương, Chủ nhiệm đề tài, để tiếp nhận mô hình chăn nuôi dê sữa, nông hộ nên xây dựng chuồng sàn với khoảng cách giữa các thanh sàn là 1,5 cm, phân ô chuồng cho các giai đoạn tuổi khác nhau của dê (hậu bị, mang thai, tiết sữa, đực giống...). Ngoài ra, nông hộ nên làm mái che cao hoặc thiết kế quạt hút ở 2 đầu dãy chuồng để tăng độ thông thoáng. Đồng thời, cần thực hiện đúng quy trình nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh,… như đã được hướng dẫn.

TS Phương cho biết thêm, lợi nhuận từ sữa khi nuôi dê lai F1 cao so với nuôi dê thuần ở cả hai giống Saanen và Bách Thảo. Qua thống kê với đàn F1 ở 6 nông hộ tham gia trong quá trình triển khai thực tế mô hình (10 con), lợi nhuận từ sữa trong năm đầu tiên ở nhóm dê lai F1 là 82,6 triệu đồng, trong khi đó với dê Bách Thảo chỉ ở mức 58,4 triệu đồng. Như vậy, mô hình chăn nuôi dê lấy sữa thích hợp cho các nông hộ với chi phí đầu tư, diện tích nuôi nhỏ hơn so với bò sữa và có thể nhân rộng cho các khu vực như ngoại thành TPHCM.

Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay.