Mới đây, tại UBND xã Phượng Tiến - Định Hóa, trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và chăn nuôi Dê cỏ (Dê Nản) Định Hóa”.

Đây là một nội dung trong nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen dê cỏ (dê Nản) Định Hóa tại Thái Nguyên” được UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện từ năm 2016. Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Khoa học và Sự sồng - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Cơ quan quản lý: Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên.


Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Trần Văn Phùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm, Chủ nhiệm nhiệm vụ; Phòng Quản lý khoa học - Sở KH&CN; đại diện Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa; đại diện UBND các xã có mô hình của dự án; cán bộ Trạm khuyến nông; chủ hộ gia đình tham gia mô hình của nhiệm vụ và các hộ gia đình có nuôi dê trên địa bàn huyện Định Hóa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo: hiện trạng chăn nuôi dê của huyện Định Hóa, việc thực hiện nhiệm vụ quỹ gen bảo tồn và lưu giữ nguồn gen dê cỏ Định Hóa; kết quả chọn lọc và cải thiện năng suất nguồn gen dê cỏ; kết quả xây dựng mô hình của 6 hộ gia đình tại Định Hóa. Các thành viên tham dự hội thảo đã thảo luận và đóng góp ý kiến về những ưu thế và hạn chế của đàn dê địa phương; mục tiêu, mong muốn cũng như lý do cần bảo tồn lưu giữ nguồn gen dê cỏ địa phương những khó khăn thuận lợi trong quá trình thực hiện mô hình, đồng thời đã thảo luận về các giải pháp nhằm cải thiện về tầm vóc và sinh trưởng của dê cỏ.

Trên cơ sở những ý kiến trao đổi thảo luận, Sở KH&CN ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề nghị Ban chủ nhiệm nhiệm vụ cần xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ sau khi kết thúc nhiệm vụ làm cơ sở để phục vụ cho các giai đoạn triển khai tiếp theo đối với Chương trình quỹ gen cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện các nội dung của nhiệm vụ để tiến hành đánh giá kết quả nghiệm thu theo quy định.

Hội thảo đã góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực trạng và các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với quá trình chăn nuôi tại địa phương, đồng thời giúp Ban chủ nhiệm nhiệm vụ bổ sung hoàn thiện từng nội dung, từ đó tổng hợp và hoàn thiện được nhiệm vụ nghiên cứu.