Tại hội thảo chuyên đề do Hội Tin học TPHCM phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức trực tuyến ngày 23/9, nhiều giải pháp công nghệ truyền thông quảng cáo, phân phối bán hàng online đã được giới thiệu đến các doanh nghiệp.

Chia sẻ về xu hướng bán hàng qua mạng xã hội (Social Commerce) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phạm Minh Toàn, CEO Time Universal Communications, cho rằng, doanh nghiệp nên ưu tiên livestream làm chiến lược bán hàng hàng đầu; đồng thời chuyển đổi mọi hoạt động sang online và kiên trì xuất hiện trên các nền tảng xã hội của người tiêu dùng.

các
Đại biểu giới thiệu công nghệ truyền thông cho doanh nghiệp tại Hội thảo
Ảnh: Chụp màn hình

Ông Trần Duy Hào, Công ty Cổ phần giải pháp chuyên gia STAR GLOBAL, cho biết, trong mùa dịch, người mua chuyển hướng sang giao dịch online thay vì đếncửa hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm, đặc biệt có giá trị cao thì khách hàng vẫn muốn có trải nghiệm trực tiếp trước khi mua. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không có cửa hàng hoặc cửa hàng nằm ở vị trí không thuận lợi. Website tương tác 3D/360 - Giải pháp tham quan từ xa và bán hàng online bằng công nghệ thực tế ảo VR/AR do STAR GLOBAL xây dựng, có thể tháo gỡ những vấn đề trên cho doanh nghiệp. Giải pháp có thể chạy trên nền tảng website hiện hữu, tích hợp vào các trang mạng xã hội khác của doanh nghiệp, tích hợp đa phương tiện (video, audio, thư viện ảnh, google map,…), cho phép khách tham quan từ xa với hướng dẫn viên ảo và tham khảo thông tin sản phẩm với hình ảnh chân thực.

Giải pháp đã được một số nơi áp dụng như Hệ thống Chiếu sáng thông minh – Công viên Phần mềm Quang Trung; Dự án Du lịch tương tác thông minh 3D/360 tại SaiGon Skydeck (Bitexco Financial Tower); Trường học tương tác thông minh 3D/360 (Đại học Quốc gia Hà Nội); Bảo tàng số (Bảo tàng phụ nữ Nam bộ tại TPHCM);…

g
Sản phẩm đã được số hóa 3D Ảnh: Chụp màn hình

Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc sản phẩm Cyberbot, Trung tâm Không gian mạng Viettel thì giới thiệu nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot - ứng dụng giao tiếp, đối thoại qua tin nhắn (Chatbot) hoặc cuộc gọi (Callbot) trực tiếp với khách hàng tự động, thay thế cho tư vấn viên trả lời. Cyberbot có thể ứng dụng đa dạng các ngành nghề như ngân hàng, giáo dục, y tế, hành chính công,..

Công nghệ nhận dạng giọng nói tự động của Viettel Cyberbot có độ chính xác lên đến 95%, đồng thời hỗ trợ đa dạng giọng nói Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, Viettel Cyberbot còn nhận dạng được người nói, cảm xúc, độ tuổi, giới tính,...

Thời gian qua Cyber-Callbot đã được 11 tỉnh ứng dụng để gọi nhắc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone; gọi tới bệnh nhân F0 COVID-19, điều trị bằng thuốc Molnupiravir, nhắc nhở dùng thuốc đúng giờ, thu thập triệu chứng cung cấp cho các y bác sỹ làm hồ sơ nghiên cứu lâm sàng,... Ngoài ra, tổng đài tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp thông tin hành chính công, các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 cũng đã được số hóa các nghiệp vụ, thủ tục hành chính công lên hệ thống Callbot. Toàn bộ các văn bản khẩn về COVID-19 tại một số tỉnh đã được chuyển đổi thành kịch bản sẵn sàng giải đáp tự động 24/7,....


.