Mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch xây dựng thí điểm có thể giúp Đắk Nông sản xuất trái cây an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị để xuất khẩu.

Qua quá trình thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho thấy, trong tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh Đắk Nông, có trên 55% là ba loại cây xoài, bơ và sầu riêng, phần còn lại là nhiều loại cây ăn trái khác, với tỷ lệ diện tích nhỏ. Năng suất xoài, bơ trung bình khoảng 8,6 tấn/ha/năm, sầu riêng là 7,6 tấn/ ha/ năm.

Giai đoạn 5 năm tới, tại hầu hết các huyện diện tích xoài, bơ, sầu riêng đều có xu hướng tăng, đặc biệt là 4 huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk R’Lấp và Tuy Đức diện tích này sẽ tăng lên từ 1.000 - 5.000ha. Tuy nhiên, chuỗi giá trị sản xuất xoài, bơ, sầu riêng vẫn phát triển ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát, ít có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, các chuỗi giá trị này đang hoạt động thuần túy theo một hình thức nhất định, không có những hợp đồng, cam kết đủ mạnh để có thể chi phối hoạt động các chuỗi. Nếu không có các chuỗi cung ứng được tổ chức ổn định, có thể sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng nguồn cung các loại trái cây này.

M
Mô hình trồng trái cây an toàn ở Đắk Nông còn rất ít. Ảnh: Internet

Đề tài nói đã xây dựng thí điểm ở các huyện Cư Jut, Đắk Glong, Đắk R’lấp 3 mô hình sản xuất: xoài (Đài Loan), bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu. Trong đó mô hình xoài có diện tích 13ha, dự kiến năng suất khoảng 6 tấn/ha; bơ 18ha, năng suất 11 tấn/ha; và sầu riêng 11,3ha, năng suất 7 tấn/ha. Đồng thời, đào tạo tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, chuỗi giá trị, công nghệ sơ chế, bảo quản và sử dụng phầm mềm quản lý mã vùng trồng trên xoài, bơ, sầu riêng cho người dân.

Đề tài cũng đã tạo được 1 phần mềm ứng dụng quản lý sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo mã vùng trồng. Sau tập huấn, các học viên có thể thực hành thành thạo các thao tác sử dụng phần mềm sổ ghi chép điện tử quản lý mã vùng trồng, kỹ thuật sản xuất nghiệp theo hướng VietGAP.

Nhóm tác giả cũng đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng sản phẩm xoài, bơ, sầu riêng cho tỉnh Đắk Nông như tỉnh cần ban hành chương trình phát triển chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng an toàn hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, có thể tính tới quy mô phát triển 20.000ha; kèm theo đó là các điều kiện để có thể phát triển từng bước, bền vững, xây dựng được thương hiệu sản phẩm của tỉnh.

M
Mô hình trồng sầu riêng tại Đắk R’lấp. Ảnh: NNC

Chính quyền cấp huyện và xã bằng nhiều hình thức công bố sâu, rộng về quy hoạch sản xuất các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Đặc biệt, đối với cây cao su, cà phê, tiêu, điều, cây xoài, bơ, sầu riêng để hộ gia đình dễ tiếp cận và bố trí sản xuất phù hợp với điều kiện hạ tầng sản xuất từng địa phương.

Trong các chích sách khuyến nông của tỉnh, ưu tiên phát triển chỉ dẫn vùng trồng và chứng chỉ VietGAP cho cây xoài, bơ và sầu riêng, tạo điều kiện hình thành vùng nguyên liệu có tiêu chuẩn, an toàn và hướng tới xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cần bố trí tăng cường nguồn vốn để xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình bảo quản xoài, bơ, sầu riêng vừa làm tăng giá trị sản phẩm, vừa thu hút hộ sản xuất với dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở bảo quản, chế biến, cần đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ, đổi mới phát triển công nghệ. Đồng thời, nâng cao trình độ quản lý và năng lực tiếp cận thông tin thị trường ngành hàng trái cây. Từ đó có sự đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các hộ trồng cần tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, cung cấp sản phẩm đạt chất lượng và tham gia vào chuỗi tiêu thụ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Qua đó giúp ổn định giá bán và sản xuất bền vững.

Đề tài đã được Sở KH&CN Đắk Nông nghiệm thu, đạt yêu cầu.