Vừa qua, Sở KH&CN Đắk Lắk đã tổ chức Hội đồng xét giao trực tiếp đề tài “Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk”. Đề tài do Trường Đại học Đông Á chủ trì thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Hoa Hữu Lân.

Ngoài các thành viên Hội đồng tư vấn nhiệm vụ KH&CN, còn có Lãnh đạo Sở, đại diện các phòng, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN.


Chuỗi cung ứng ngắn đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, dần thay thế cho các phương thức thương mại truyền thống, với những ưu điểm như: Giảm tối đa các khâu trung gian; Duy trì và truyền đạt tính xác thực và độc đáo của sản phẩm nông sản; Mang lại lợi ích và tác động tích cực trên các góc độ kinh tế, xã hội và môi trường…

Đắk Lắk có nhiều thuận lợi phát triển Nông - lâm - thủy sản: là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài... Vì vậy, đề tài "Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk", sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là: xây dựng mô hình chuỗi cung ứng ngắn cho 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh, đặc biệt đối với các hộ nông dân trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể: xây dựng khung lý thuyết về chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp; đánh giá những yếu tố tác động hạn chế đến các chuỗi cung ứng cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng một số mô hình cụ thể về chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; đề xuất các nhóm giải pháp và khuyến nghị triển khai kết quả thực hiện mô hình đạt hiệu quả trên địa tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung nghiên cứu gồm: cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp; thực trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2016 đến nay); đánh giá các yếu tố tác động đến chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk; đề xuất mô hình chuỗi cung ứng ngắn cho 4 sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Lắk; đề xuất giải pháp triển khai mô hình chuỗi cung ứng ngắn đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi nghe đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo thuyết minh, Hội đồng tư vấn xét duyệt đã đánh giá cao thuyết minh khoa học và ý nghĩa nghiên cứu của đề tài đối với xây dựng chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Kết quả Hội đồng đã thống nhất thông qua việc nghiên cứu thực hiện đề tài. Tuy nhiên, các thành viên trong Hội đồng đã đưa ra các ý kiến phản biện, góp ý cho các nội dung của thuyết minh từ mục tiêu, tổng quan, phương pháp nghiên cứu đến nội dung cần đạt được và nhất là các giải pháp cần đạt được để giúp Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện thuyết minh.