Trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong đào tạo chương trình ngành gần là Vật lý Kỹ thuật - Điện tử, từ năm 2024, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong đào tạo chương trình ngành gần là Vật lý Kỹ thuật - Điện tử
Đội ngũ giảng viên của USTH giàu kinh nghiệm trong đào tạo Vật lý Kỹ thuật - Điện tử, là ngành gần với Công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh: USTH

Chương trình hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nhiều tiềm năng.

Công nghệ vi mạch bán dẫn là phần cốt lõi, xương sống của ngành công nghiệp bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp lớn trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ vi mạch bán dẫn tập trung vào thiết kế, sản xuất và kiểm tra các vi mạch tích hợp (CHIP) nhằm giảm kích thước, tăng tính ổn định và hiệu suất cho các thiết bị điện tử từ phức tạp như siêu máy tính đến hàng điện tử dân dụng đơn giản trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa,..

Xác định vi mạch là một lĩnh vực quan trọng, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Trong bối cảnh đó, việc USTH tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn dường như nằm trong xu thế chung giống nhiều trường đại học kỹ thuật - công nghệ khác.

Tuần trước, ba trường thuộc Đại học Đà Nẵng cũng cho biết sẽ tuyển sinh chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch trong năm 2024, đó là: Trường ĐH Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Cùng tuyên bố bắt tay vào đào tạo nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn ngay trong năm nay còn có Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH FPT.

Hiện các trường đại học kỹ thuật - công nghệ hàng đầu của Việt Nam được cho là đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Trong đó, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn được đào tạo trong các ngành về hóa học, vật lý, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch được đào tạo trong các ngành kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông hay các ngành gần như kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử,…

Chẳng hạn, ĐH Bách khoa Hà Nội từ nhiều năm nay đã có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, đào tạo về thiết kế IC, VLSI (vi mạch tích hợp) và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Vật lý kỹ thuật, chuyên ngành về vật liệu điện tử liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Kỹ thuật Vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn. Bên cạnh đó, năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano.

ĐH Quốc gia Hà Nội có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Ở bậc đại học, sinh viên được học về vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM ở bậc đại học có ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông và hệ thống mạch - phần cứng. Ở bậc cao học, ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông có chuyên ngành về thiết kế vi mạch.

Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM có ngành kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng từ năm 2006. Từ năm nay, Trường bắt đầu tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành thiết kế vi mạch trình độ đại học.

Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nơi đã đào tạo các chương trình liên quan đến vi mạch hơn 20 năm nay (Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật viễn thông, Hệ thống mạch - Phần cứng), đã đưa vào vận hành hai ngành Thiết kế vi mạch và Vi mạch bán dẫn ngay trong năm học 2023-2024, thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.


Tính đến thời điểm hiện tại, USTH đào tạo 17 ngành đào tạo về khoa học và công nghệ với 20 chương trình đào tạo trình độ đại học: 17 chương trình cấp bằng USTH và 3 chương trình cấp song bằng hợp tác với trường đại học Pháp. Hầu hết các chương trình đào tạo của USTH được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Năm học 2024-2025, USTH dự kiến tuyển sinh 1.050 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023.

USTH áp dụng 4 phương thức tuyển sinh 1. Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Trường tổ chức, 2. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn, 3. Xét tuyển thẳng theo đề án của Trường và 4. Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, các chương trình song bằng chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Trường tổ chức (phương thức 1). Các chương trình đơn bằng xét tuyển thông qua 4 phương thức.

USTH tổ chức 3 đợt tuyển sinh trong đó 2 đợt trước và 1 đợt sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với phương thức 1, 2 và 3. Đợt tuyển sinh đầu tiên trong năm nay của USTH bắt đầu từ ngày mai, 10/1.