Trong nhiều năm, các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế trung bình từ 2-12%. Nhưng điều này sẽ chấm dứt vào năm 2024, với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1.

Hỗ trợ đầu tư
Ảnh minh họa: TVPL

Có một sự chênh lệch lớn giữa mức thuế thu nhập mà các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hằng năm.

Theo Tổng cục Thuế, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Việt Nam ở mức 20%, Việt Nam đang áp dụng mức thuế trung bình 12,3% cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian ưu đãi.

Một số công ty lớn thậm chí đã được hưởng mức thuế suất còn thấp hơn, trung bình chỉ ở mức 2,75% do thời gian miễn thuế và giảm thuế kéo dài lên tới 10-15 năm.

Nhưng khoảng cách "bất công" này đang bị thu hẹp. Cuối tháng 11 năm ngoái, 94% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu mới 15%, mà Chính phủ ước tính sẽ mang lại thêm 14,6 nghìn tỷ đồng (~573 triệu USD) doanh thu mỗi năm cho ngân sách quốc gia.

Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (~800 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm liền kề nhất sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Ở Việt Nam, thuế này bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Những doanh nghiệp đang trả thuế ít hơn 15% sẽ phải bù một khoản thuế bổ sung để đạt mức tối thiểu này. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 122 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động ở Việt Nam, trong đó có Samsung và nhà cung cấp Foxconn của Apple, sẽ có sự tăng mạnh về khoản thuế phải nộp trong năm nay.

Có sáu tập đoàn của Việt Nam cũng sẽ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm Vietcombank, MibiFone, VietJet, Viettel, Petrolimex và Tập đoàn Hòa Phát. Họ có thể lựa chọn nộp các khoản thuế phát sinh cao hơn của công ty con (nếu có) ngay tại nước ngoài hoặc hợp nhất về nộp ở Việt Nam.

Đến nay, 142 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thuế tối thiểu toàn cầu 15%.

Hỗ trợ đầu tư: Trong nguy có cơ

Trong hàng chục năm, Việt Nam đã sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn FDI. Tuy nhiên, khi công cụ này hết hiệu lực, Việt Nam phải tìm cách sử dụng các công cụ thay thế khác.

Mặc dù Chính phủ chưa đưa ra một phương án chính thức về công cụ thay thế, nhưng nhiều người tin rằng khả năng cao là Việt Nam sẽ có các biện pháp hỗ trợ đầu tư khác để thu hút nhà đầu tư, ví dụ như "bù tiền" - tức bù một khoản tiền tương đương ưu đãi thuế đã mất. Nhưng không phải lúc nào việc bù trừ này cũng là một khoản "tiền mặt" trực tiếp trả về tài khoản của các công ty nước ngoài như người ta nghĩ.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách kinh tế của VCCI, nhận xét rằng hỗ trợ đầu tư là dùng tiền từ ngân sách chi ra, nên sẽ linh hoạt hơn nhiều [so với ưu đãi thuế].

"Chúng ta có thể toàn quyền lựa chọn hỗ trợ chi phí đào tạo nhân công, chi phí xây nhà ở cho người lao động, chi phí xây dựng hạ tầng điện đường nước nhà xưởng hay bất kỳ chi phí nào khác. Ngược lại, rút tiền ra khỏi ngân sách cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ khiến dư luận cảm thấy khó chịu hơn. Thêm vào đó, quản lý chống tham nhũng, thất thoát trong việc này cũng khó hơn nhiều", ông Đức viết.

Bên cạnh đó, theo ông Đức, việc hỗ trợ đầu tư này cũng không được vi phạn quy định của OECD, tức không được đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Nếu chính sách hỗ trợ đầu tư mới của Việt Nam rơi đúng vào những công ty đã bị tăng thuế với số tiền đúng bằng số tiền thuế tăng lên thì Việt Nam sẽ bị kiện.

Trước những ràng buộc pháp lý như thế, thuế tối thiểu toàn cầu 15% mở ra cơ hội cho việc thiết kế một chính sách hỗ trợ đầu tư mới, công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Khi đó, nếu các doanh nghiệp trong nước thuộc diện được hỗ trợ đầu tư thì họ cũng sẽ được hưởng chế độ như FDI, bất kể họ đang chịu thuế dưới 15% hay trên 15%.

"Các biện pháp hỗ trợ đầu tư “cao cấp” hơn biện pháp ưu đãi thuế. Nó đòi hỏi khả năng quản trị của Nhà nước tốt hơn, nhưng đổi lại sẽ được chọn mục tiêu, chọn đúng mắt xích quan trọng hay nút cổ chai. Đây là cơ hội để chúng ta có thể thu hút đầu tư tốt hơn, có chọn lọc hơn, có tác động lan toả tốt hơn.", ông Đức nhận xét.

Quỹ hỗ trợ đầu tư

Trên thực tế, cuối tháng 12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hành một dự thảo nghị định mà nếu được thông qua sẽ thành lập ra một Quỹ hỗ trợ đầu tư. Nhìn chung, quỹ này sẽ sử dụng các khoản thuế thu được theo thuế bổ sung và các nguồn ngân sách khác, chủ yếu để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.v.v

Có một số chi tiết thú vị trong dự thảo này, cụ thể:
  • Hỗ trợ R&D: Với điều kiện công ty đã thực hiện giải ngân được ít nhất 12 nghìn tỷ đồng (~493 triệu USD) vốn góp đã cam kết trong vòng ba năm đầu tiên hoạt động, hoặc có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển đã giải ngân ít nhất 1,5 nghìn tỷ đồng (~62 triệu USD), dự thảo nghị định sẽ cho phép hoàn trả từ 20-50% chi phí nghiên cứu và phát triển đã chi trong năm.
  • Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Nếu một công ty đã giải ngân ít nhất 1,5 nghìn tỷ đồng (~62 triệu đô la) trong ba năm đầu tiên, nó có thể đủ điều kiện để được hoàn trả chi phí đào tạo lên đến 50%, bao gồm các khoản chi học bổng, tổ chức khóa đào tạo, thuê tư vấn, liên kết chuyên gia nước ngoài, mua thiết bị máy móc và bản quyền chương trình đào tạo…
  • Hỗ trợ tài sản cố định: Doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư khác nhau (từ 12.000 tỷ đồng đến trên 36.000 tỷ đồng) có thể được hỗ trợ các mức khác nhau trong khoảng từ 10-40% nguyên giá tài sản cố định trong năm.
  • Hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao: Doanh nghiệp có quy mô vốn khác nhau có thể được hỗ trợ từ 0,5 – 1,5% giá trị gia tăng của sản phẩm.
Giống như thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng cho các công ty đa quốc gia lớn, Quỹ hỗ trợ đầu tư cũng sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư tương đối lớn. Cụ thể, quỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động có:

▫️ Đầu tư ít nhất 12 nghìn tỷ đồng (493 triệu USD), hoặc
▫️ Có doanh thu trên 20 nghìn tỷ đồng (822 triệu USD) một năm.

Các công ty cũng cần giải ngân ít nhất 12 nghìn tỷ đồng (493 triệu USD) trong ba năm đầu hoạt động tại Việt Nam. Điều này có thể là một quy định phù hợp với các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, nhưng sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp Việt muốn được tham gia.

Dự thảo sẽ kết thúc lấy ý kiến vào ngày 5/1. Dự kiến, nghị định sẽ được Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.